Con bài răn đe
(ANTĐ) - Tổng thống Nga D. Medvedev vừa ra lệnh nâng cấp sức mạnh hạt nhân của nước này để thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược. Nước Nga đã không còn chịu ngồi yên trước tham vọng giành ưu thế hạt nhân của Mỹ.
Phát biểu trước các tư lệnh quân đội sau một cuộc tập trận tại vùng Orenburg ở miền Nam Ural, ông D. Medvedev nói: “Một hệ thống răn đe hạt nhân đảm bảo cho các tình huống quân sự và chính trị phải có vào năm 2020. Việc chế tạo trên quy mô lớn các loại tàu chiến mới sẽ được lên kế hoạch, chủ yếu là các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình và tàu ngầm đa chức năng. Một hệ thống phòng thủ trên không và trên vũ trụ cũng sẽ được xây dựng”. Ông cũng ra lệnh cho các tư lệnh trình kế hoạch hành động vào tháng 12 năm nay để thực thi các thay đổi này.
Tên lửa Topol M - Lực lượng nòng cốt trong con bài răn đe hạt nhân của Nga |
“Nước Nga không tìm kiếm nhưng cũng chẳng sợ cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Khả năng một cuộc chiến tranh kiểu này có tái diễn hay không phụ thuộc vào phương Tây” - Tổng thống D. Medvedev đã từng tuyên bố như vậy. Nhưng lời cảnh báo này lâu nay vẫn bị Mỹ và phương Tây làm ngơ. Nhớ lại thời kỳ này năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Nga S. Lavrov từng nói thẳng với những người đồng cấp phương Tây: “Phải hiểu rằng Nga có các vạch đỏ, đó là lúc an ninh quốc gia của Nga hoặc trật tự thế giới bị đe dọa. Nga sẽ không mặc cả và sẽ bảo vệ lập trường của mình đến cùng”. Vậy đâu là “những vạch đỏ” nhạy cảm với nước Nga? Đó là vấn đề quy chế của tỉnh Kosovo thuộc Serbia và kế hoạch “phòng thủ chống tên lửa châu Âu” của Mỹ.
Hãy xem phương Tây phản ứng thế nào với lời cảnh báo của nước Nga. Năm 2002, bất chấp sự phản đối của Nga, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp định chống tên lửa đạn đạo ký năm 1972 để có thể mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Hiện nay, thỏa thuận triển khai 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và một trạm radar dẫn đường cho tên lửa đánh chặn tại Séc cũng đã được ký kết. Mỹ và phương Tây cũng ngang nhiên công nhận độc lập của Kosovo để thúc đẩy tỉnh này tách khỏi Serbia, gián tiếp cổ vũ xu hướng ly khai ở những khu vực nhạy cảm như Chechnya của Nga. Có thể nói bề ngoài, Mỹ luôn nói coi Nga là đối tác nhưng xét về mọi phương diện trên thực tế, thì Washington đang tìm mọi cách cô lập Nga, biến nước này thành một ốc đảo để ngăn chặn sự trỗi dậy của một cường quốc hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.
Để vô hiệu hóa toan tính của Mỹ và phương Tây, con bài răn đe của Nga sẽ dựa vào bộ ba hạt nhân chiến lược bao gồm tên lửa đạn đạo, tàu ngầm hạt nhân và các máy bay ném bom tầm xa. Lực lượng nòng cốt nhất sẽ là các tên lửa đạn đạo Topol-M (theo cách gọi của NATO là SS-27) có tầm bắn 10 nghìn km và đủ khả năng xuyên thủng mọi “lá chắn tên lửa” của Mỹ. Lực lượng không quân chiến lược bao gồm 141 máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire, 40 máy bay ném bom Tu-95MS Bear và 14 máy bay ném bom tầm xa Tu-160 Blackjack. Hải quân sẽ được hiện đại hóa thêm bằng 8 tàu ngầm hạt nhân mới mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đó là những tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ tư có chiều dài 170m, rộng 13,5m, được trang bị tổ hợp tên lửa chiến lược “Bulava M” gắn đầu đạn hạt nhân có tầm bắn 8 nghìn km.
Hoàng Sơn