Con bài dầu mỏ

ANTĐ -  Dầu mỏ không chỉ là nhiên liệu chiến lược thiết yếu của nền kinh tế thế giới cũng như mỗi quốc gia, mà nó còn có thể trở thành một con bài chính trị như trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

Một công nhân Mỹ đang vận hành ống dẫn dầu trong kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ

Giá dầu trên thị trường thế giới ngày 15-3 có thời điểm đã sụt giảm hơn 2 USD/thùng. Giá dầu giảm không phải các lý do như nguồn cung tốt lên hay căng thẳng giữa phương Tây và Iran dịu bớt... mà xuất phát từ thông tin hai Chính phủ Mỹ và Anh đã đạt được thoả thuận về việc cùng mở kho dầu dự trữ chiến lược.

Thoả thuận này được cho là đạt được trong cuộc hội đàm ngày 14-3 giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron nhân chuyến thăm Mỹ 3 ngày. Mục đích của việc Mỹ và Anh cùng mở kho dự trữ dầu chiến lược là nhằm ngăn không để giá dầu mỏ tăng cao làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế trong năm bầu cử ở Mỹ mà ông Obama đang nỗ lực tái tranh cử để ở lại Nhà Trắng thêm 1 nhiệm kỳ.

Thông tin trên dù chưa được Nhà Trắng hay số 10 phố Downing (Dinh Thủ tướng Anh) xác nhận, song ngay khi vừa mới loan đi đã tác động nhanh và mạnh tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. Điều này cũng dễ hiểu bởi cả thế giới đang chứng kiến cảnh đón tiếp trọng thị của Tổng thống Mỹ dành cho Thủ tướng Anh.

Ngoài việc trải thảm đỏ đón rước long trọng tại Nhà Trắng, ông Obama còn mời ông Cameron cùng lên chiếc chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) để cùng đi xem trận đấu bóng rổ. Với "đặc ân" này, ông Cameron trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên cùng bay với Tổng thống Mỹ trên chiếc chuyên cơ vốn chỉ dành riêng cho người đứng đầu nước Mỹ.

Sự đón tiếp trọng thị và thân tình mà Tổng thống Obama dành cho Thủ tướng Cameron đã làm cho giới kinh doanh dầu mỏ thế giới tin vào thông tin nói hai ông đạt được thoả thuận cùng mở kho dự trữ chiến lược dầu mỏ. Ông Obama đã có ý "cầu cạnh" như vậy chẳng lẽ ông Cameron lại không có động thái nhằm giúp gia tăng khả năng thắng cử của đương kim chủ nhân Nhà Trắng?

Bất kỳ ai cũng thấy rất rõ rằng việc giảm giá dầu hay để giá mặt hàng nhiên liệu chiến lược thiết yếu này quá cao có ảnh hưởng quan trọng tới chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama. Vốn đang phục hồi mong manh nên nền kinh tế Mỹ luôn phản ứng rất nhạy với việc tăng hay giảm giá dầu trên thế giới.

Trong khi đó, một trong những điểm yếu của ông Obama đang được các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà tập trung khai thác là ông vẫn chưa làm được gì nhiều để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử cách đây 4 năm là đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng được xem là trầm trọng nhất từ năm 1930 tới nay. Nói cách khác, sự phục hồi của kinh tế Mỹ là nhân tố có ý nghĩa then chốt tới khả năng tái đắc cử của ông Obama vào tháng 11 tới.

Muốn kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà phục hồi hiện nay Tổng thống Obama buộc phải tìm cách kìm giữ giá dầu mỏ không quá cao. Thế nên không phải ngẫu nhiên mà trong vài tuần qua, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Steven Chu đã không ít lần công khai tuyên bố mọi phương án hạ nhiệt giá xăng dầu đều đang được Nhà Trắng tính tới.