Cố vấn trại giam

(ANTĐ) - Sau 4 tháng sống trong trại giam, từ một nhân vật lừng lẫy trong giới tài chính Mỹ, “siêu lừa phố Wall” Bernard Madoff gần như đã hòa nhập được với “cuộc sống mới” trong trại giam ở North Carolina. Có được điều này, các cố vấn trại giam đóng vai trò rất lớn.

Cố vấn trại giam

(ANTĐ) - Sau 4 tháng sống trong trại giam, từ một nhân vật lừng lẫy trong giới tài chính Mỹ, “siêu lừa phố Wall” Bernard Madoff gần như đã hòa nhập được với “cuộc sống mới” trong trại giam ở North Carolina. Có được điều này, các cố vấn trại giam đóng vai trò rất lớn.

Martha Stewart, người từng ngồi tù vì tội lừa đảo hiện đang là cố vấn trại giam hàng đầu của Mỹ
  Martha Stewart, người từng ngồi tù vì tội lừa đảo hiện đang là cố vấn trại giam hàng đầu của Mỹ

Theo “trào lưu” hiện nay ở Mỹ, bất kể là quan chức, triệu phú hay minh tinh, vận động viên nổi tiếng, hễ rơi vào vòng lao lý, việc đầu tiên họ làm đều là mời cho mình một cố vấn trại giam. Những cố vấn này sẽ cung cấp cho họ 3 dịch vụ: tìm một trại giam thích hợp, xin tòa giảm án và dạy “văn hóa trại giam”.

Một vài cố vấn trại giam cho biết, căn cứ vào cấp độ nghiêm khắc, nhà tù ở Mỹ có 4 loại: cấp nhỏ, cấp thấp, cấp trung và cao cấp. Cấp càng cao, thiết bị giám sát và các biện pháp quản chế càng nhiều, mức độ nguy hiểm của phạm nhân càng lớn. Vì vậy, phần lớn tội phạm đều muốn được ở trong những nhà tù cấp thấp, như vậy sẽ ít bị trói buộc hơn, đồng thời tránh được việc sớm tối giáp mặt với những bạn tù nguy hiểm.  

Cơ quan quản lý trại giam thường căn cứ vào độ tuổi, học vấn, bệnh tình, tiền án… để quyết định xếp phạm nhân vào cấp độ nhà tù nào. Những yếu tố này sẽ được cố vấn trại giam “sắp xếp” làm sao để đạt được kết quả tốt nhất cho khách hàng cuả mình. Lấy ví dụ trong vụ Madoff, John Webster, trưởng đoàn “Cố vấn trại giam quốc lập” của Mỹ cùng các cố vấn khác được “siêu lừa” thuê đã làm một báo cáo rất đích đáng về tuổi tác, tình trạng an ninh… để giúp Madoff được đưa tới trại số 1 nhà tù Butner ở North Carolina - nơi chuyên dành cho tội phạm “cổ cồn trắng” - rất yên tĩnh và ít có tình trạng bạo lực xảy ra.

Tìm một nhà giam tốt chỉ là một phần công việc của cố vấn trại giam. Phạm vi công việc của một cố vấn đôi khi bao trùm suốt thời gian khách hàng của họ ngồi tù. “Giống như bạn vừa đặt chân đến một đất nước xa lạ vậy - ngôn ngữ bất đồng, tập quán bất đồng”, Tim Miller, cố vấn trại giam ở California cho biết, “khi người ta bắt buộc phải đi vào hệ thống đó, công việc của chúng tôi là giúp họ nhìn mình từ một góc độ khác”.

Đầu tiên, cố vấn sẽ đánh giá về “năng lực hành vi trại giam” của khách hàng, sau đó đưa ra những lời khuyên hợp lý. Đối với những người từng một thời là “nhân vật lớn”, thông thường sẽ nhận được những lời khuyên như: “Hãy luôn nhớ ông không còn khả năng chi phối người khác”, “học cách đánh bài hay nói chuyện về thể thao để nhanh chóng hòa mình vào họ”…

Những lời khuyên khác bao gồm: dù trước đây anh quan hệ rộng thế nào, nay chỉ được qua lại với những người giống anh; khi ăn nhất định không được nhìn người ngồi đối diện; những vụ ẩu đả hay xảy ra ngoài phòng giam, luôn ở trong phạm vi camera giám sát… Bên cạnh đó, cố vấn cũng sẽ hướng dẫn phạm nhân cách sử dụng thời gian hợp lý hay lên kế hoạch học tập một kỹ năng nào đó. Đương nhiên mỗi dịch vụ sẽ có một giá riêng, thông thường là vài trăm, vài ngàn USD đến… vô cùng. 

Đối với nhiều cố vấn trại giam, những gì họ hướng dẫn cho khách hàng không hề là sản phẩm tưởng tượng mà nó bắt nguồn từ chính kinh nghiệm bản thân. John Webster bắt đầu sáng lập đoàn cố vấn của mình năm 2002, cho tới nay đã trở thành một trong những đoàn cố vấn nổi tiếng nhất nước Mỹ.

 Trong khi đó, chỉ vài tháng trước khi thành lập đoàn cố vấn này, ông còn ngồi trong một nhà tù liên bang với mức án 13 năm vì cung cấp tin giả dưới thân phận một luật sư cho FBI hồi năm 1999. “Những hình phạt dành cho phạm nhân trong tù đã khiến tôi thực sự thấu hiểu được nhiều điều”, John cho biết. Còn Tim Miller cũng từng ngồi tù đến 10 năm, vì vậy ông tin chắc rằng mình có thể đem tới cho khách hàng những lời khuyên “thực sự hữu hiệu”.

Thậm chí Tim còn viết lại những trải nghiệm trong tù của mình thành một cuốn “giáo trình”, nói về cách ứng phó với cuộc sống trong tù như kết bạn, kiện giám thị… Mỗi lần cố vấn, Tim Miller thu phí 1.000-5.000 USD còn mức giá thông thường của John Webster là 3.500 USD. Chính vì vậy, cùng với việc ngày càng có nhiều tội phạm “quý tộc” vào tù, “nghề” cố vấn trại giam càng trở nên hấp dẫn với nhiều người.

Bảo Trâm

(Theo Chinanews)