Có thượng tôn pháp luật mới có hòa bình, ổn định ở Biển Đông

ANTD.VN - Chỉ có tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan ở Biển Đông thì mới có hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng không chỉ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà cả thế giới này.

Có thượng tôn pháp luật mới có hòa bình, ổn định ở Biển Đông ảnh 1Chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam là không thể phủ nhận và bác bỏ theo luật pháp quốc tế

“Cái lý không có chân” của Trung Quốc trên Biển Đông

Các quốc gia, tổ chức và dư luận ở khu vực cũng như trên thế giới đang ngày càng quan tâm, bày tỏ lo ngại sâu sắc trước những hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua của Trung Quốc.

Đó là việc Trung Quốc thông báo thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cùng với đó, Trung Quốc còn khiến các quốc gia ASEAN hết sức lo ngại khi triển khai nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tới hoạt động tại khu vực phía Nam Biển Đông về phía vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Sau việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương xâm phạm nghiêm trọng vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt gần 3 tháng từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019, việc Trung Quốc triển khai nhóm tàu này xuống sâu phía Nam Biển Đông làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh đang leo thang trong việc tiến hành các hoạt động nhằm độc chiếm vùng biển này theo yêu sách phi lý và phi pháp “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”).

Những hành vi gây căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định gần đây của Trung Quốc được cho là Bắc Kinh đang lợi dụng việc các quốc gia khu vực và thế giới đang dốc sức phòng chống đại dịch Covid-19 để đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò”.

Điều này càng thấy rõ hơn khi Trung Quốc vừa cơ bản kiểm soát được đại dịch xuất phát từ chính quốc gia này, vào ngày 23-3-2020, Trung Quốc đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản hồi tài liệu của Philippines để cho rằng, Bắc Kinh “có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề”, rằng họ “có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất”. Trung Quốc còn cho rằng mình “có quyền lịch sử” ở Biển Đông, dựa trên “bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Có thể nói, những lý lẽ cũng như cái gọi là bằng chứng mà Trung Quốc đưa ra để đòi chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” không có gì mới, chẳng qua lặp lại những gì mà họ đã công bố trước đây. Và tất cả những lý lẽ, “chứng cứ” này đều đã bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 vốn được xem là Hiến pháp của toàn thế giới về đại dương.

Chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông không thể chối cãi và bác bỏ

Chính vì thế, ngày 30-3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc để phản hồi hai công hàm mà Trung Quốc đưa ra ngày 12-12-2019 và ngày 23-3-2020. Trong đó, Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các công hàm trên, khẳng định các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.

Việt Nam một lần nữa nêu rõ có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam khẳng định UNCLOS 1982 - công ước mà Trung Quốc cũng là một thành viên tham gia ký kết, là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo đó, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với điều 121(3) của UNCLOS 1982; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng. 

Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại UNCLOS 1982, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý. Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề này đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.

Trên thực tế, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình ở Biển Đông, đồng thời chủ trương giải quyết các tranh chấp tại vùng biển này thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; đặcbiệt không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Dư luận quốc tế những ngày qua cho rằng những phản ứng của Việt Nam là nhất quán và phù hợp. Điều đó cho thấy Việt Nam đang chọn hướng đi dựa trên sức mạnh của dân tộc với truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền hàng nghìn năm, đồng thời Việt Nam thể hiện trách nhiệm với các quốc gia có yêu sách chủ quyền, các nước có lợi ích kinh tế ở Biển Đông, luôn đề cao việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam lên tiếng với các nước, các tổ chức quốc tế để nhận diện rõ âm mưu, tham vọng nguy hiểm, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi vì Biển Đông không chỉ có lợi ích của Việt Nam mà Biển Đông có lợi ích của toàn cầu. Do đó, trách nhiệm giữ được tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của riêng Việt Nam mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc. 

Chỉ có thượng tôn pháp luật mới có hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông; mọi toan tính dùng lý lẽ và chứng cứ phi pháp để che đậy cho hành động cường quyền, sức mạnh nhằm hiện thực hóa tham vọng biến vùng biển chung này thành “ao nhà” đều là mối đe dọa đối với lợi ích sống còn của các quốc gia khu vực và những cường quốc thế giới liên quan.