Tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

Cơ hội và thách thức đan xen

ANTĐ - Mỹ và Cuba đang tiến những bước vững chắc trên con đường bình thường hóa quan hệ song phương. Dù đã đạt được những thỏa thuận mang tính lịch sử, song hai bên sẽ còn rất nhiều việc cần giải quyết để tiến trình này không bị chệch hướng.

Cơ hội và thách thức đan xen ảnh 1
Những bước đi đầu tiên

Kể từ sau tuyên bố lịch sử bình thường hóa quan hệ ngoại giao được Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đưa ra tháng 12-2014, Mỹ và Cuba đã tiến hành 4 vòng đàm phán lần lượt tại Thủ đô của hai nước. Vòng đàm phán mới nhất diễn ra ngày 21 đến 22 tháng 5 tại Washington với những tiến triển trong nhiều vấn đề quan trọng. Hai nước cũng đã lần đầu tiên tổ chức cuộc đối thoại về nhân quyền trong tháng 4.

Đặc biệt, kết quả nổi bật nhất cho tới nay chính là việc hai nước nhất trí mở cửa trở lại các Đại sứ quán ở mỗi nước từ cuối tháng 7 này. Dù chưa có tuyên bố chính thức, song bức thư của Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 1-7 đã nhắc tới việc Mỹ và Cuba mở lại “các phái đoàn ngoại giao thường trực tại Thủ đô của nhau từ ngày 20-7-2015”. 

Tổng thống Obama mô tả đây là một bước tiến mang tính lịch sử trong nỗ lực chung của hai nước nhằm bình thường hóa quan hệ. Nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá đây không chỉ là sự kiện mang tính biểu tượng mà còn là cơ hội để giới ngoại giao Mỹ có nhiều cơ hội tiếp xúc với người dân Cuba. Tổng thống Obama một lần nữa hối thúc Quốc hội Mỹ sớm bãi bỏ lệnh cấm vận chống Cuba mà ông đã nhiều lần cho là “lỗi thời và không phục vụ các lợi ích của Mỹ”.

Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại Hạ viện, Hạ nghị sỹ Nancy Pelosi cho rằng việc mở lại Đại sứ quán sẽ đặt ra nền tảng cho mối quan hệ mới, hiệu quả hơn với Cuba, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy các ưu tiên chính sách của Mỹ, bao gồm cả vấn đề quyền con người, hợp tác chống ma túy, di cư, đoàn tụ gia đình, trao đổi văn hóa, cũng như mở ra cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp Mỹ. Bà Pelosi mô tả đây là quyết định “dũng cảm” của Tổng thống Obama. Còn cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng việc hai nước đồng ý mở lại Đại sứ quán giúp Mỹ gia tăng can dự và ủng hộ những thay đổi tích cực ở Cuba.

Cơ hội và thách thức đan xen ảnh 2

Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp nhau tại Panama bên lề 
Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) hôm 11-4-2015

Một trong những sự kiện đáng chú ý khác trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba là việc Washington chính thức đưa La Habana ra khỏi cái gọi là “danh sách các nước bảo trợ khủng bố”. Hôm 29-5, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Cuba đã chính thức không còn nằm trong danh sách trên sau khi Quốc hội Mỹ trong vòng 45 ngày không phản đối đề nghị hôm  14-4 của Chính quyền Tổng thống Barack Obama xóa tên La Habana khỏi danh sách này.

Quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi ông có cuộc gặp lịch sử kéo dài suốt một giờ đồng hồ với Chủ tịch Cuba Raul Castro bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) lần thứ VII tại Panama. Động thái trên đồng nghĩa với việc hàng loạt rào cản về thương mại - tài chính và đi lại mà Washington áp đặt từ năm 1982 đối với “đảo quốc tự do” sẽ được loại bỏ. Trước đó, Cuba luôn coi việc Washington đưa La Habana ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố là điều kiện tiên quyết trước khi hai bên chính thức nối lại quan hệ ngoại giao. 

Cơ hội và thách thức đan xen ảnh 3

Người dân Cuba vui mừng khi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ 
được công bố ngày 17-12

Cơ hội và thách thức

Tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đang tạo ra những kỳ vọng to lớn, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Thông tin từ báo chí Mỹ thời gian qua cho thấy giới doanh nghiệp nước này đang rất hào hứng chuẩn bị cho các kế hoạch làm ăn với Cuba. Bất chấp cấm vận vẫn tồn tại với các rào cản lớn, nhiều công ty du lịch, ngân hàng Mỹ đã chuẩn bị để “vào” Cuba. Việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận chống Cuba, vốn phải đợi Quốc hội Mỹ thông qua, chắc chắn sẽ phải mất thời gian nên Internet hiện được coi là con đường thuận lợi nhất để “xâm nhập” thị trường của đảo quốc Caribe này.

Các địa chỉ về dịch vụ du lịch đã bắt đầu hoạt động quảng bá tiếp cận khách hàng, còn Amazon đang tính mở dịch vụ chuyển hàng về Cuba. Nhà cung cấp dịch vụ phim ảnh trực tuyến Netflix cũng đã bắt đầu khởi động các dịch vụ cho Cuba. Facebook còn có tham vọng hơn khi mở một cuộc thi với các chuyên gia tin học hàng đầu nhằm tìm cách triển khai các ứng dụng đơn giản, phù hợp với tốc độ đường truyền Internet ở Cuba.

Giới doanh nghiệp Mỹ hiểu rằng một khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, cơ hội làm ăn tại Cuba không chỉ đến với họ mà còn mở ra cho các “đối thủ” khác đến từ châu Âu và cả Trung Quốc. Đây cũng chính là lý do khiến người Mỹ rất nóng lòng và muốn đi tiên phong trong tiến trình này. Tại Mỹ, liên minh hai đảng vận động hành lang xóa bỏ cấm vận tại Cuba mang tên “Engage Cuba” đã chính thức ra đời.

Tổ chức này đã bắt đầu hoạt động từ giữa tháng Năm vừa qua, trong đó chủ yếu tập trung vào việc vận động hành lang gây sức ép lên Quốc hội Mỹ gỡ bỏ chính sách cấm vận đối với Cuba – đã bị luật hóa năm 1996, và trước hết là cho phép công dân Mỹ được tự do đến Cuba. Tập hợp những chính trị gia, doanh nhân và tổ chức xã hội cùng theo đuổi mục đích này, “Engage Cuba” cũng kết hợp gây sức ép trên nghị trường với việc quảng bá mục đích của mình qua các trang mạng xã hội và quảng cáo trên truyền hình.

Tuy nhiên, hiện rất còn không ít rào cản trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Hai nước còn nhiều vấn đề quan trọng phải thảo luận, như chính sách nhập cư quy định trong Luật Điều chỉnh Cuba của Mỹ, xóa bỏ cấm vận, hay căn cứ quân sự Mỹ đang đóng trên vịnh Guantanamo của Cuba. Ngoài ra, tiến trình này còn vấp phải các rào cản nội bộ ở mỗi nước.

Trong cuốn sách “Back Channel to Cuba” mới xuất bản, hai tác giả Willian LeoGrande và Peter Kornbluh cho biết từ thời kỳ Tổng thống Kennedy tới nay, tất cả các tổng thống Mỹ đều từng liên hệ bí mật với chính quyền Cuba, nhưng trong suốt nhiều thập kỷ ấy quan hệ hai bên không tiến được bước nào, thậm chí chỉ thụt lùi.

Ví dụ điển hình là ngay trong ngày 1-7, khi thông tin về việc hai nước nhất trí mở cửa trở lại các đại sứ quán, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã tuyên bố Mỹ không có ý định đóng cửa căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo của Cuba bất chấp thỏa thuận lịch sử vừa đạt được. Về mặt tư duy, từ phía Cuba, tư tưởng cảnh giác với Mỹ được coi là một trong những rào cản không nhỏ, trong khi Mỹ cũng có những khó khăn của mình liên quan tới kiều dân Cuba thế hệ đầu tiên sinh sống tại Mỹ với những mặc cảm và suy nghĩ bảo thủ.