Cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò chủ động và tích cực trong ASEAN

ANTD.VN - Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra vào ngày 26-6-2020 theo hình thức trực tuyến. Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò chủ động và tích cực trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 như thế giới ca ngợi.

Cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò chủ động và tích cực trong ASEAN ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19, diễn ra ngày 14-4 theo hình thức trực tuyến 

Thời điểm thử thách với ASEAN

Công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã bắt đầu bằng một loạt các hoạt động dưới sự chủ trì của Việt Nam, gồm: Hội nghị trù bị các quan chức cao cấp ASEAN (Prep-SOM), Cuộc họp lần thứ 2 Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Hội nghị tham vấn chung. Do dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), các hoạt động này đều diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Đây là quãng thời gian đầy khó khăn và thử thách với ASEAN, khi đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội của tất cả các nước thành viên. Dịch bệnh đã làm đình trệ các hoạt động du lịch và đi lại, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và nguồn cung lao động. Những diễn biến này ảnh hưởng tới thương mại, đầu tư, sản xuất và tác động trực tiếp tới tăng trưởng của khu vực. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng GDP của ASEAN trong năm 2020 sẽ là -0,6%.

Nhưng chính trong thời điểm thử thách này mới càng thấy rõ thêm ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm, yêu cầu duy trì hòa bình, ổn định, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và cùng nhau hướng tới kiểm soát thành công dịch bệnh của các nước ASEAN. Đánh giá về xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2020, các hội nghị trực tuyến chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đều nhấn mạnh, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 đem lại, ASEAN kiên trì với các mục tiêu và nguyên tắc của mình, giữ vững đà xây dựng Cộng đồng, phấn đấu vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất. 

Trên cơ sở đánh giá đó, các nước ASEAN đã trao đổi và thống nhất về công tác chuẩn bị cho hoạt động sắp tới, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, gồm: Hội nghị Hội đồng chính trị-an ninh lần thứ 21, Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 26 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao không chính thức, dự kiến diễn ra trong các ngày từ 24 đến 26-6-2020. 

Đi vào các công việc cụ thể, các hội nghị trực tuyến đã bắt đầu khởi động thảo luận xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, kiểm điểm tình hình thực hiện Hiến chương ASEAN, thúc đẩy hợp tác tiểu vùng, đồng thời trao đổi về báo cáo cập nhật về tiến độ triển khai các kết quả, ưu tiên của ASEAN trong năm 2020 cũng như tiến độ triển khai các sáng kiến về kiểm điểm giữa kỳ các kế hoạch tổng thể. 

Tin tưởng vào sự chuẩn bị và công tác điều hành của Việt Nam

Tại các cuộc họp trực tuyến chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, các nước ASEAN đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến công tác tổ chức bởi đây là lần đầu tiên một Hội nghị cấp cao ASEAN chính thức và các hội nghị trù bị được tổ chức bằng hình thức họp trực tuyến. Tuy nhiên, các nước đều đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời tin tưởng với sự điều hành của Việt Nam, các hội nghị này sẽ được tổ chức thành công. 

Thực tế thì chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 mà Việt Nam lựa chọn trước đó là “Gắn kết và chủ động thích ứng” tỏ ra phù hợp với với những thách thức cả trước mắt và lâu dài với ASEAN. “Gắn kết” là để củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm. Còn “Chủ động thích ứng” chính là thể hiện năng lực ứng phó trước các biến động nhanh chóng của tình hình.

Sự bùng phát bất ngờ của đại dịch Covid-19 và những hệ lụy chưa từng có làm đảo lộn mọi mặt đời sống trên thế giới do dịch bệnh gây ra cho thấy chủ đề và phương châm mà Việt Nam đề ra thật đúng lúc và hiệu quả hơn bao giờ hết. Theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó Covid-19 đã diễn ra ngày 14-4-2020 theo hình thức trực tuyến với nhiều thỏa thuận đạt được.

Tại các hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, trao đổi về việc triển khai các cam kết của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN, Việt Nam tiếp tục đề xuất tập trung triển khai 4 ưu tiên chính đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí trước đó, gồm: thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, xây dựng kho dự trữ khu vực ASEAN về vật tư y tế, xây dựng quy trình tiêu chuẩn của ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, xây dựng kế hoạch phục hồi của ASEAN hậu Covid-19.

Tất nhiên, trong thành công của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có sự hợp tác và trợ giúp của các nước ASEAN. Cùng với sự đoàn kết, gắn bó giữa các nước thành viên ASEAN, vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng để Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 thành công, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.