Cố hàn gắn rạn nứt

(ANTĐ) - Nữ Bộ trưởng Thông tin của Pakistan tuyên bố, nếu để quan hệ Pakistan - Mỹ đổ vỡ là sa bẫy của lực lượng khủng bố. Vì vậy, hòa giải quan hệ giữa hai nước là sứ mệnh quan trọng của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry trong chuyến công du Nam Á lần này. 

Cố hàn gắn rạn nứt

(ANTĐ) - Nữ Bộ trưởng Thông tin của Pakistan tuyên bố, nếu để quan hệ Pakistan - Mỹ đổ vỡ là sa bẫy của lực lượng khủng bố. Vì vậy, hòa giải quan hệ giữa hai nước là sứ mệnh quan trọng của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry trong chuyến công du Nam Á lần này. 

Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry (thứ hai bên trái) đến Afghanistan hôm 14-5
Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry (thứ hai bên trái) đến Afghanistan hôm 14-5

Thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry đang có chuyến công du tới Afghanistan và Pakistan. Chuyến thăm diễn ra 2 tháng trước khi Mỹ sẽ chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho lực lượng an ninh Afghanistan đối với một số khu vực thành phố trong chiến lược của Mỹ.

Thế nhưng, chuyến thăm của ông nghị sỹ tới Pakistan trong tuần này lại là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dự luận.  Quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược Mỹ và Pakistan đã rạn nứt nghiêm trọng kể từ sau vụ đột kích của đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Bin Laden, hôm 1-5, tại Pakistan. Chuyến thăm được coi là một nỗ lực nhằm hàn gắn những vết rạn nứt đó.

Thượng nghị sĩ J. Kerry sẽ cùng các quan chức Islamabad thảo luận về các vấn đề liên quan tới chiến dịch đột kích nhà của trùm khủng bố Bin Laden, trong đó có những hoài nghi về việc Pakistan không hay biết Bin Laden đã sống xa xỉ nhiều năm tại nơi chỉ cách Thủ đô Islamabad có 100 km.

Vui mừng trước việc Bin Laden bị tiêu diệt, nhưng người Mỹ cũng không thể không nghi ngờ chính quyền Pakistan đã “cố tình không biết” trùm khủng bố sống ngay cạnh Islamabad trong ngần ấy thời gian.

Những tranh cãi giữa hai đối tác chiến lược này diễn ra trong suốt hơn hai tuần qua với những tuyên bố cứng rắn nhưng cũng rất mềm dẻo cả từ hai phía. Bởi hai bên vẫn rất cần nhau. Pakistan không thể thiếu những khoản viện trợ kinh tế, quân sự của Mỹ. Mỹ không thể thiếu Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố và trong “các cuộc chơi” của Mỹ ở khu vực Nam Á.

Các lực lượng chính trị ở Pakistan đã làm ầm lên khi tố cáo Mỹ vi phạm chủ quyền vì không báo trước cho Pakistan về cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan. Thế nhưng các thỏa thuận chống khủng bố giữa hai bên đã được ký kết. Khoản viện trợ nhiều tỷ USD đã được Mỹ cam kết và đang thực hiện.

Mỹ được phép thực hiện các chiến dịch chống khủng bố trên lãnh thổ Pakistan, vì thế những cuộc không kích của máy bay không người lái nhằm vào những mục tiêu bị nghi ngờ là khủng bố ở Pakistan vẫn diễn ra đều đặn. Các văn phòng của CIA và lực lượng đặc nhiệm Mỹ hoạt động công khai ở Pakistan.

Như một sự “thí tốt”, tướng Ahmad Shuja Pasha, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Pakistan (ISI), cuối tuần qua đã đệ đơn xin từ chức lên Quốc hội Pakistan. Ông này thừa nhận trách nhiệm của ngành tình báo vì đã “không phát hiện được” Bin Laden sống tại thị trấn Abbottabad cũng như vụ đặc nhiệm Mỹ đột kích tiêu diệt Bin Laden.

Để giữ thể diện trước dân chúng, các nghị sĩ Pakistan đã kêu gọi Chính phủ Pakistan thành lập một ủy ban điều tra độc lập về vụ việc trên nhằm xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan và đề ra những biện pháp cần thiết đảm bảo các vụ việc tương tự sẽ không tái diễn.

 Quốc hội Pakistan dọa sẽ ngừng hợp tác về hậu cần cho liên quân Mỹ tại Afghanistan và sẽ tấn công các máy bay không người lái của Mỹ nếu xâm nhập trái phép lãnh thổ của Pakistan. Trong sự căng thẳng ấy, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Pakistan, Tướng Khalid Shameem Wynne không thể tiến hành chuyến thăm dự kiến tới Mỹ từ ngày 22 đến 27-5 tới. Và ông này đã quyết định  không tới Mỹ dịp này.

Cả người Mỹ lẫn người Pakistan không muốn đặt mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa hai bên vào cụm từ “khủng hoảng”. Hai đồng minh chống khủng bố này dù đang nghi ngờ nhau nhưng đều không muốn quan hệ đổ vỡ chỉ vì chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden.

Kim Nguyên