Chuyến xuất hành của Tổng thống Bush
(ANTĐ) - Tình trạng hỗn loạn mà Mỹ vướng phải tại Iraq khiến nhiều đồng minh thất vọng và sự bế tắc trước bạo lực leo thang ở dải Gaza. Đó là hai lý do quan trọng khiến ông G.W.Bush đã chọn Trung Cận Đông là hướng xuất hành trong chuyến công du đầu năm 2008 - năm cuối ông đảm nhận nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ tới Trung Cận Đông là một phần trong sứ mạng nhằm đưa ra giải pháp hòa bình có người Palestine với người Israel. Chuyến thăm của ông tới một số nước Vùng Vịnh cũng là nhằm để thu hút sự ủng hộ của thế giới Arập đối với kế hoạch của ông.
Tổng thống Bush rời Israel và lãnh thổ Palestine tràn đầy tự tin về cơ hội hòa bình. Ông cho rằng, lãnh đạo Israel và Palestine giờ đây sẽ hợp tác mạnh hơn để tìm cách thương thảo một hiệp ước hòa bình.
Tuy nhiên, chiến lược của ông muốn đưa ra một thỏa thuận hòa bình mang tính lịch sử còn cần có sự tham dự của thế giới Arab. Đó là điều mà giờ đây Tổng thống Bush tập trung.
Tại Kuwait và các quốc gia vùng Vịnh như Ai Cập, Arab Saudi, Tổng thống Bush đề nghị các lãnh đạo đưa ra sự ủng hộ công khai cho Tổng thống Palestine, là ông Mahmoud Abbas, khi ông Abbas bắt đầu thương lượng với Thủ tướng Israel.
Tổng thống Bush cũng sẽ cố gắng khuyến khích các đồng minh trong thế giới Arab phải làm việc cả vói Israel. ý tưởng ở đây là cần xây dựng sự tin cậy trên toàn khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia Arab có thể quan tâm hơn tới việc thảo luận cái mà họ cho là mối đe dọa chiến lược xuất phát từ Iran.
Tổng thống Bush thăm một trại lính Mỹ ở Kuwait |
Chuyến thăm của ông Bush còn là để thúc đẩy quan hệ giữa Washington với các nước đồng minh vùng Vịnh, đặc biệt là với Arab Saudi, vào thời điểm mà sự trỗi dậy của Iran đang khiến cả vùng quan ngại.
Vai trò gia tăng của Iran là hậu quả hết sức quan trọng nhưng không hề mong muốn của Mỹ khi họ lật đổ chế độ Saddam Hussein. Nhiều nhà phân tích cho rằng, tình trạng hỗn loạn mà Mỹ vướng phải tại Iraq đã khiến Arab Saudi rất thất vọng. Saudi là nước đóng vai trò trung gian quan trọng nhất trong khu vực.
Bản báo cáo của tình báo Mỹ về chương trình nguyên tử của Iran mà họ tung ra vào cuối năm ngoái dường như đã làm Mỹ mất đi chân tay trong việc thực hiện chính sách cô lập và gây sức ép lên Teheran.
Tài liệu này nói rằng, nỗ lực nghiên cứu hạt nhân vì mục đích quân sự của Iran đã ngừng lại. Trong khi Mỹ lại muốn đi tiếp những “nước cờ” mạnh tay trong việc gây sức ép với Iran.
Mặc dù chính quyền Bush cũng như nhiều nước đồng minh khác khẳng định rằng, việc Iran tiếp tục chương trình làm giàu uranium mới đáng quan ngại, tác hại của bản báo cáo đã rõ. Nhưng trên thực tế, trước khi báo cáo này được tung ra, Tổng thống Iran Ahmadinejad, đã được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh tại Doha, đây là lần đầu tiên Iran có đại diện tại đây.
Lời mời này là chỉ dấu cho thấy, căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ với đồng minh hàng đầu tại vùng Vịnh là Arab Saudi. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy trước sự trỗi dậy của người Hồi giáo dòng Shiai ở Iran, Quốc vương Abdullah của Arab Saudi muốn có các biện pháp khác nhau nhằm kiềm chế mối đe dọa Iran. Những biện pháp của Arab Saudi khác hơn so với các biện pháp của Washington.
Sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ trong chuyến xuất hành đầu năm mang nhiều ý nghĩa và nó đòi hỏi Mỹ cần những tiếng nói đồng thuận tốt hơn trong thế giới Arập để tham gia giải quyết những điểm nóng không dễ hạ nhiệt ở Trung Cận Đông.
Thu Nga