Chuyến "thuyết khách" bất thành của ông Netanyahu

ANTD.VN - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gánh vác sứ mệnh làm “thuyết khách” trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân của Iran, song bất thành bởi bất đồng quan điểm sâu sắc mà ông gặp phải tại những điểm đến trong chuyến công du châu Âu.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel bất đồng quan điểm sâu sắc trong vấn đề hạt nhân của Iran

Cho dù đang là thượng khách trong chuyến công du Đức, song Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng người đồng cấp nước chủ nhà Đức Angela Merkel vẫn không giấu được sự bất đồng sâu sắc trong vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi nữ Thủ tướng Merkel một lần nữa khẳng định, Đức cùng với các đối tác châu Âu sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp sự rút lui của Mỹ thì ông Netanyahu vẫn muốn Berlin cùng các đồng minh châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này.

Nước Đức là chặng dừng chân đầu tiên của ông Netanyahu trong chuyến công du mà ngoài những nội dung hợp tác song phương, người đứng đầu chính quyền Israel còn dành ưu tiên cao cho việc thuyết phục các quốc gia châu Âu ủng hộ việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà 6 cường quốc (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cùng Đức, còn gọi Nhóm P5+1) ký với Iran hồi năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, “đầu không xuôi, đuôi khó lọt”, sứ mệnh “thuyết khách” của ông Netanyahu đã thất bại ngay tại điểm đến đầu tiên ở châu Âu.

Thất bại trong việc thuyết phục Đức hủy bỏ thỏa thuận JCPOA như mong muốn của Israel và Mỹ cũng cho thấy bất đồng sâu sắc giữa Tel Aviv và đồng minh chiến lược Washington với các quốc gia châu Âu. Bất đồng này vốn âm ỉ từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và bùng phát khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA vào ngày 8-5 vừa qua.

Lý do mà Tổng thống Donald Trump đưa ra để rút khỏi JCPOA vốn được người tiền nhiệm - Tổng thống Barack Obama ca ngợi như một “thỏa thuận lịch sử” là thỏa thuận này không bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, cũng như không đề cập tình hình sau khi thỏa thuận hết hiệu lực vào năm 2025. Ông Donald Trump cũng cho rằng thỏa thuận không hề đề cập tới vai trò của Iran trong các cuộc xung đột tại Trung Đông.

Dù chia sẻ với chính quyền Tổng thống Donald Trump về những mối lo ngại trên, nhưng các nước châu Âu cho rằng Iran kể từ khi ký tới nay luôn tuân thủ JCPOA, điều được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cho rằng JCPOA là thành quả của hàng chục năm thương lượng “trầy vẩy” để xử lý một trong những vấn đề nóng và dễ bùng nổ bậc nhất ở Trung Đông, nay nếu từ bỏ thỏa thuận này sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường.

Thế nhưng, bất chấp lập trường thống nhất của các đồng minh châu Âu, chính quyền Tổng thống Donald Trump sau khi đơn phương rút khỏi JCPOA đã đe dọa tung đòn “những lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử” nhằm vào Tehran. Đòn trừng phạt này, hiện mới chỉ áp dụng với hàng không Iran và những quan chức nước này, song nếu mở rộng ra các lĩnh vực kinh tế khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới Iran và cả các quốc gia châu Âu bởi hầu như công ty lớn nào của cựu lục địa cũng đều có những mối quan hệ làm ăn với Iran.

Nguy cơ tái phát cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran từng đẩy khu vực Trung Đông tới đỉnh điểm căng thẳng càng hiện rõ hơn trong phát biểu mới nhất đưa ra ngày 5-6, Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho biết, Iran sẽ thông báo cho IAEA về việc khởi động tiến trình gia tăng năng lực làm giàu urani. Rõ ràng, việc rút khỏi JCPOA chỉ đẩy Iran tới việc nối lại chương trình hạt nhân, vì thế sứ mệnh “thuyết khách” của ông Netanyahu thất bại là điều đương nhiên.