Chuyến thăm đầu tiên của ông Joe Biden đến Liên Xô 41 năm trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần đây, giới truyền thông tìm thấy một bài báo trên tờ Pravda ra ngày 27-8-1979 có liên quan đến chuyến thăm đầu tiên của ông Joe Biden, hiện là ứng cử viên Tổng thống Mỹ đến Liên Xô. Vậy ông Biden có vai trò gì trong các cuộc đàm phán về hiệp định cắt giảm vũ khí với Liên Xô trong thời kỳ đó?

Chuyến thăm đầu tiên của ông Joe Biden đến Liên Xô 41 năm trước ảnh 1Thượng nghị sĩ Joseph Biden (thứ hai từ trái sang), thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Andrei Gromyko (thứ hai từ phải sang) tại Điện Kremlin năm 1979

Thời điểm đó cách đây gần 41 năm, ông Thượng nghị sĩ bang Delaware dẫn đầu một nhóm nghị sĩ Mỹ đang vận động để hiệp ước cắt giảm vũ khí được Quốc hội Mỹ thông qua. Tổng thống Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev ký thỏa thuận SALT-II tại Vienna vào tháng 6-1979 nhưng hiệp ước này vẫn cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi mức độ ngờ vực lẫn nhau giữa Washington và Matxcơva khi đó vẫn rất cao.

Tiến sĩ Alistair D. Edgar, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Wilfrid Laurier cho biết: “Có rất nhiều người hoài nghi và chỉ trích Mỹ đang đối mặt với mưu đồ của Liên Xô và thời ấy, người ta không biết nhiều về Liên Xô vì việc đi lại rõ ràng bị hạn chế rất nhiều”. 

“Năm 1979, chàng trai trẻ Joe Biden là người bảo vệ quyền kiểm soát vũ khí nói chung và Hiệp ước SALT II nói riêng. Ông đã được bầu vào Thượng viện vào tháng 11-1972”, Giáo sư Peter Kuznick, một chuyên gia về lịch sử nước Mỹ thế kỷ XX cho biết. Mặc dù công chúng Mỹ ủng hộ kiểm soát vũ khí, nhưng có một nhóm nghị sĩ phe “diều hâu” phản đối SALT II, Giáo sư Peter Kuznick lưu ý.

Cả 2 chuyên gia Kuznik và Edgar đều đồng ý rằng, ông Biden trong chuyến đi đó đã thực hiện nhiệm vụ một cách tích cực nhằm mục tiêu xây dựng lòng tin giữa đôi bên. Bên cạnh cảnh báo giới lãnh đạo Liên Xô rằng Thượng viện Mỹ sẽ gắn một số điều khoản và điều kiện nhất định để có thể thông qua hiệp ước, ông Biden cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ sớm đàm phán một hiệp ước mới nhằm cắt giảm sâu hơn các kho vũ khí hạt nhân của cả hai bên. “Thật thú vị khi thấy vai trò của một Joe Biden trẻ trung và dường như tiến bộ hơn vào thời điểm đó. Ông Biden có niềm tin mãnh liệt vào các hiệp ước quốc tế. Ông ấy muốn tìm cách xoa dịu căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh”, Giáo sư Kuznik nhận định.

Đàm phán giới hạn vũ khí chiến lược (SALT) giữa Mỹ và Liên Xô bắt đầu tại Helsinki năm 1969. Hiệp ước SALT II nhằm hạn chế hơn nữa vũ khí tấn công chiến lược đã được đàm phán trong nhiều năm từ tháng 11-1972. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cùng Chủ tịch Liên Xô Leonid Brezhnev gặp nhau từ ngày 15 đến 18-6-1979  tại Vienna để ký hiệp ước Salt II. Tuy nhiên, Liên Xô phát động chiến dịch quân sự tại Afghanistan vào tháng 12-1979 để đáp lại đề nghị khẩn thiết của Cộng hòa Dân chủ Afghanistan (DRA) và sự kiện này đã chấm dứt mọi khả năng Thượng viện Hoa Kỳ sẽ phê chuẩn SALT II. 

Có một sự tương đồng giữa các cuộc đàm phán Hiệp ước SALT II năm 1979 và các cuộc đàm phán liên quan đến Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược mang tên START giữa Mỹ và Nga hiện nay. Hiệp ước START được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama ký vào năm 2010 và sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Tuy nhiên, không có tín hiệu nào cho thấy Hiệp ước này sẽ được gia hạn.