Chuyến thăm bí mật Triều Tiên của Giám đốc CIA mở ra hy vọng

ANTD.VN - Những hy vọng về thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dường như ngày càng có cơ sở khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố Washington và Bình Nhưỡng đã có các cuộc tiếp xúc "ở các cấp cao nhất" nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử.

Chuyến thăm bí mật Triều Tiên của Giám đốc CIA mở ra hy vọng ảnh 1Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo (trái) cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “đã chuẩn bị sẵn sàng” cho cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump

Phát biểu trước báo giới tại khu nghỉ dưỡng ở bãi biển Florida, Tổng thống Trump xác nhận rằng hai Chính phủ (Mỹ và Triều Tiên) đang “thảo luận trực tiếp” và khẳng định có những bước tiến đặc biệt trong việc thiết lập một số kênh liên lạc thường xuyên nhất giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua. Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thảo luận trực tiếp ở những cấp rất cao, cực cao với Triều Tiên. Và tôi thực sự tin rằng có nhiều thiện chí, nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra”. 

Cùng thời điểm với tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng, tờ Washington Post đưa tin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vào vị trí Ngoại trưởng - ông Mike Pompeo đã bất ngờ có chuyến thăm bí mật đến Triều Tiên và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Như vậy, có thể thấy rõ Washington đang chuẩn bị khá kỹ lưỡng và thực hiện các bước đi ngoại giao thận trọng nhằm đảm bảo cho cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra trong tháng 5 hoặc tháng 6 như dự kiến và đạt được những thành quả mong đợi. 

Tuy nhiên, vấn đề Triều Tiên luôn là bài toán hóc búa với Mỹ và ngay cả những nhà quan sát dù lạc quan nhất cũng phải thận trọng trước khả năng đạt được một kết quả cụ thể nào đó trong cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều. Mục tiêu mà Mỹ đặt ra đối với Triều Tiên là phi hạt nhân hóa và chấm dứt khả năng đe dọa hay tấn công lãnh thổ Mỹ bằng tên lửa liên lục địa (ICBM). Trước đây, Triều Tiên chưa bao giờ nói sẽ phi hạt nhân hóa, thậm chí, tất cả cách thức truyền tải thông điệp trong thập kỷ qua là vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là bất khả xâm phạm và Bình Nhưỡng chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu tất cả các nước khác từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Thế nhưng, lần này, chính quyền Bình Nhưỡng đã thể hiện rằng họ sẵn sàng thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa, khi mà Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong sau chuyến thăm và làm việc tại Triều Tiên trở về cho biết: “Phía Triều Tiên khẳng định rõ ràng cam kết của họ đối với việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên và sẽ không có lý do gì để sở hữu vũ khí hạt nhân nếu sự an toàn của chế độ này được đảm bảo cũng như các mối đe dọa quân sự nhằm vào Triều Tiên được loại bỏ”. 

Trước chuyến thăm, trong phiên điều trần tại Thượng viện, Giám đốc CIA Pompeo từng nêu quan điểm rõ ràng về vấn đề Triều Tiên. Theo đó, Mỹ có trách nhiệm ngăn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được khả năng đe dọa Washington bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông khẳng định không ủng hộ việc thay đổi chính quyền Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh vai trò của ông trên cương vị một nhà ngoại giao là tránh đối đầu. 

Vì thế, một trong các điều kiện quan trọng còn lại để Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa là chấm dứt các mối đe dọa quân sự nhằm vào nước này. Theo các nhà phân tích chính trị, có khả năng điều đó sẽ bao gồm 4 điểm then chốt mà Mỹ phải giải quyết: ký kết một hiệp ước hòa bình giữa Triều Tiên và Mỹ để thay thế thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953; chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn, hủy bỏ Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Hàn; các lực lượng Mỹ rút khỏi Hàn Quốc. 

Phát biểu tại một sự kiện ở Missouri mới đây, Tổng thống Trump đã bóng gió rằng ông sẵn sàng ngừng sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Hàn Quốc. Các tuyên bố của Tổng thống Trump dường như đã phủ bóng lên cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm Mỹ. Lo lắng vì khả năng Tokyo bị gạt khỏi vấn đề Triều Tiên, ông Abe đã nhanh chóng tới Washington nhằm tìm kiếm một sự tái đảm bảo an ninh từ quốc gia đồng minh cũng như thống nhất quan điểm trong vấn đề Bình Nhưỡng. Nhật Bản muốn Mỹ tránh đạt một thỏa thuận mà theo đó Bình Nhưỡng từ bỏ các tên lửa đạn đạo ICBM có khả năng phóng tới lãnh thổ Mỹ, nhưng lại duy trì các tên lửa tầm ngắn có thể đe dọa Tokyo hay Seoul như một sự thế chấp.