Chuyện lạ đồng minh
(ANTĐ) - Ai chẳng biết Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf luôn được Mỹ xem là một trong những đồng minh quan trọng nhất trong cuộc chiến chống khủng bố. Ấy thế mà lại có chuyện Washington bỗng lên tiếng khuyên ông bạn đồng minh quý hoá nên san sẻ bớt quyết lực cho đối thủ chính trị được xem là khó chịu nhất lâu nay của chính ông này.
Biểu tình ủng hộ bà Bhutto ở thành phố Lahore |
Chuyện chính quyền Mỹ đang thúc giục Tổng thống Musharraf chia sẻ quyền lực với cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị tờ “Thời báo New York” tiết lộ ngày 16-8. Tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ này dẫn lời các quan chức chính quyền Tổng thống George W. Bush cho biết, “lời khuyên” chia sẻ quyền lực được Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đưa ra trong cuộc điện đàm trực tiếp với ông Musharraf hồi giữa tuần trước.
Tiết lộ trên tờ “Thời báo New York” làm người ta liên tưởng tới những thông tin trước đó của hãng thông tấn AP. Khi những tin đồn về việc Tổng thống Musharraf sắp ban bố tình trạng khẩn cấp rộ lên ở Pakistan, ngày 9-8, Ngoại trưởng Rice đã tức tốc gọi điện cho ông Musharraf để phản đối điều mà Washington cho là “một bằng chứng của chế độ độc tài”. Cũng trong ngày hôm đó, Tổng thống Bush còn lên tiếng hối thúc ông Musharraf nên tổ chức ngay một cuộc “bầu cử tự do và công bằng”. Không khách khí ngoại giao, Tổng thống Bush nói thẳng: “Đó là điều mà chúng tôi đã và đang nói với ông ta và hy vọng ông ta sẽ thực hiện”.
Quả thật, với những động thái và lời lẽ trên đây, dư luận không thể không đặt câu hỏi rằng Washington tại sao lại đối xử như vậy với ông Musharraf, người đã ủng hộ Mỹ nhiệt thành trong cuộc chiến chống khủng bố. Còn nhớ, sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2001, ông Musharraf đã lập tức tuyên bố đoạn tuyệt với Taliban, lực lượng mà Pakistan hậu thuẫn nhiều năm qua ở Afghanistan, để quay ra ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ vào quốc gia láng giềng Afghanistan.
Chính nhờ vào sự ủng hộ đó mà Mỹ mới nhanh chóng và dễ dàng phế truất sự cai trị của Taliban tại Afghanistan, dựng lên chính quyền ông Hamid Karzai hiện nay. Suốt từ đó đến nay, sự hậu thuẫn tích cực của ông Musharraf đã giúp ích rất nhiều cho Mỹ trong cuộc chiến chống lực lượng Taliban cũng như Al Qaeda tại Afghanistan, đặc biệt là trên vùng biên giới hiểm trở giữa Afghanistan và Pakistan.
Lên cầm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 1999 nhưng cho đến nay Tổng thống Musharraf vẫn không sao “hợp thức hoá quyền lực” của mình thông qua một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Đây là điểm yếu được các đối thủ chính trị của ông Musharraf tại Pakistan triệt để khai thác. Sự suy yếu về vị thế chính trị đã làm xói mòn quyền lực của ông Musharraf và làm ảnh hưởng cả tới hiệu quả hợp tác của ông với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Lý giải vì sao mà Washington lại “khuyên” ông Musharraf chia sẻ quyền lực với bà Bhutto, tờ “Thời báo New York” dẫn lời các quan chức chính quyền Tổng thống Bush nói rằng Mỹ sợ có thể là một nhân vật mà họ khó tin cậy được trong cuộc chiến chống khủng bố sẽ lên thay trong trường hợp ông Musharraf bị lật đổ.
Cũng theo tờ nhật báo Mỹ này, không biết đã trao đổi những gì nhưng sau nhiều cuộc thảo luận với bà Bhutto, các quan chức chính quyền Bush đã “thẳng thắn” nói với ông Musharraf rằng liên minh cùng bà Bhutto sẽ tạo cơ hội tốt cho ông Musharraf vừa giải tỏa cuộc khủng hoảng trong nước lại vừa tiếp tục làm Tổng thống.
Thế nên, không có gì lạ khi Mỹ chẳng ngại buông ra những lời lẽ khó lọt tai ông bạn đồng minh thân thiết miễn sao bảo vệ được lợi ích của mình.
Hoàng Hà