Chuyên gia Iran: Người Kurd tại Syria không nên tin vào lời hứa hão của Mỹ

ANTD.VN - Ông Hassan Hanizadeh, một nhà phân tích chính trị và chuyên gia về các vấn đề Trung Đông người Iran cho rằng, người Kurd tại Syria bắt buộc phải đạt được một thỏa thuận với chính quyền Damacus và không nên quá kỳ vọng vào những lời hứa sáo rỗng từ phía Mỹ.

Lời hứa hão và giấc mơ giang dở

Người Kurd là một dân tộc lớn ở vùng Trung Đông, nhưng họ được xem là dân tộc "không tổ quốc" lớn nhất trên thế giới khi cư trú cùng lúc trên 4 quốc gia: Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Từ lâu, người Kurd đã mơ giấc mơ thành lập một khu vực tự trị của mình.

Năm 2014, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nổi lên là tổ chức khủng bố tàn bạo khét tiếng, đe dọa nền hòa bình và an ninh trong khu vực và trên toàn thế giới, người Kurd ở cả Iraq và Syria nhanh chóng gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS. Với cuộc chiến này người Kurd hy vọng rằng sự trung thành với Mỹ của họ, khi kết thúc chiến tranh, sẽ nhận được sự ủng hộ từ Washington trên con đường hiện thực hóa giấc mơ tổ quốc.

Và Mỹ đã không ngần ngại đưa ra những lời hứa về một sự hẫu thuẫn cả về nhân lực, vật lực và khí tài quân sự để biến "giấc mơ tổ quốc" của người Kurd thành hiện thực. Tuy nhiên, quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "dội một gáo nước lạnh" lên những hy vọng và mong chờ của người Kurd.

Chiến binh Kurd trong thời kỳ chiến đấu chống IS tại Raqqa, Syria

Vai trò của người Kurd ở Syria

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Mehr News, ông Hanizadeh - một nhà phân tích chính trị và chuyên gia về các vấn đề Trung Đông người Iran, đã nêu ra những nhận định về vai trò của người Kurd trong các hoạt động chính trị tương lai tại Syria và vị trí của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran với người Syria và người Kurd tại Iraq.

Ông Hassan Hanizadeh - nhà phân tích chính trị và chuyên gia về các vấn đề Trung Đông người Iran

Khi nói về tình trạng của người Kurd tại Syria sau thời kỳ chiến đấu chống lại IS, ông Hanizadeh nhận định rằng tình hình hiện tại đang rất phức tạp. Những người Kurd tại Syria, đặc biệt là 2 tổ chức lớn là Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd Syria (PYD) và Lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố cực đoan này. 

Dựa trên những thỏa thuận giữa chính quyền Syria và người Kurd, chính phủ Syria đã hứa với PYD và nhiều tổ chức người Kurd khác rằng họ sẽ có được quyền tự chủ sau khi cuộc nội chiến tại nước này kết thúc. Bên cạnh đó, sự tồn tại của Mỹ tại bờ đông và của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib đã dẫn tới sự thay đổi trong cán cân quyền lực và cân bằng chính trị. 

Chuyên gia về tình hình Trung Đông này đã nhấn mạnh rằng người Kurd Syria đã đóng vai trò rất tích cực và không thể chối bỏ trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Takfiri, vì vậy, họ muốn có được quyền tự chủ hoàn toàn vùng lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, khu tự trị của người Kurd tại Syria có thể sẽ không được thành lập dựa trên phạm vi địa lý vùng lãnh thổ sinh sống của người Kurd tại đây, giống như hình thức thành lập của khu tự trị của người Kurd tại Iraq trước đó. Người Kurd ở Syria hiện nằm rải rác ở rất nhiều khu vực khác nhau như Aleppo, Hasakah, Qamishii, Idlib và nhiều khu vực khác, gây trở ngại cho việc hình thành 1 khu tự trị cố định cho họ tại Syria.

Lực lượng người Kurd ở Syria

Vì vậy, ông Hanizadeh cho rằng người Kurd nên tìm kiếm quyền lợi của mình ở các hội nghị thượng đỉnh tại Astana và Sochi, nơi đã và sẽ luận bàn về bản hiến pháp mới tại Syria. Theo ông, bản hiến pháp mới của Syria phải công nhận các quyền cơ bản của người Kurd với tư cách một quốc gia thống nhất, cũng như người Kurd ở Syria phải đạt được tiếng nói chung với chính quyền của quốc gia này. Vị chuyên gia người Iran đã khẳng định rằng người Kurd sẽ có được quyền lợi trên đất nước của họ, với bản hiến pháp được thông qua bởi tất cả những phe phái và bộ lạc của Syria, hơn là tin tưởng vào những lời hứa hão huyền của Mỹ.

Nên thành lập một khu tự trị cho người Kurd ở Syria?

Ông Henizadeh cũng nhắc đến tình hình sắc tộc tại Syria, rằng nước này hiện đang có khoảng 16 dân tộc khác nhau cùng sinh sống trong vùng lãnh thổ. Và sự nổi dậy đòi quyền tự chủ của người Kurd sẽ khiến các dân tộc khác nổi dậy theo, dẫn đến tình hình Syria ngày một hỗn loạn và lãnh thổ càng bị chia cắt thành nhiều phần. 

Dựa trên quan điểm của chính quyền Iran về việc hình thành vùng tự trị của người Kurd tại Syria, ông cho biết rằng bằng việc duy trì toàn bộ quyền lợi của người Kurd, Iran kịch liệt phản đối việc hình thành khu tự trị dành cho người Kurd tại Syria, và cho rằng người Kurd, như các dân tộc khác tại Syria, nên có  vị trí trong bộ máy chính quyền Syria.