Chuyển động nhanh không ngờ trên bán đảo Triều Tiên

ANTD.VN - Tình hình bán đảo Triều Tiên đang chuyển biến nhanh tới bất ngờ: Từ trạng thái thù địch và đối đầu bán đảo này chuyển sang hòa giải và đối thoại sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử.

Chuyển động nhanh không ngờ trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1Bĩnh sỹ Hàn Quốc dỡ bỏ hệ thống loa tuyên truyền ở dọc biên giới với Triều Tiên

Ngay sau khi trở về từ cuộc gặp thượng đỉnh thành công giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong ngôi Nhà Hòa bình/Nhà Tự do tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm), cả hai phía Triều Tiên và Hàn Quốc đều lập tức triển khai các bước đi thiết thực đầu tiên nhằm giảm đối đầu căng thẳng, đồng thời thúc đẩy hòa dịu giữa hai miền. Bước đi đầu tiên mang ý nghĩa biểu tượng cao là việc Triều Tiên tiến hành đổi múi giờ để hợp nhất với mùi giờ Hàn Quốc.

Cùng nằm trên bán đảo Triều Tiên nên Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn dùng chung múi giờ GMT + 9 dù chia cắt thành hai miền sau chiến tranh thế giới thứ hai, song từ năm 2015 Triều Tiên bất ngờ đổi sang múi giờ GMT + 8:30, tức sớm hơn Hàn Quốc 30 phút. Vì thế, việc Triều Tiên đổi lại múi giờ như Hàn Quốc được đánh giá là “động thái mang tính biểu tượng” nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Seoul và lớn hơn là xóa đi một biểu tượng chia cắt giữa hai miền Triều Tiên. 

Động thái thể hiện mong muốn giảm đối đầu để đối thoại giữa hai miền Triều Tiên là cả hai bên đồng thời “dẹp bỏ” hệ thống loa phóng thanh công suất cực lớn dọc biên giới chĩa sang nhau. Sau hàng chục năm liên tục phát các nội dung chỉ trích lẫn nhau như là một hoạt động tâm lý chiến, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đồng thời chấm dứt và dỡ bỏ toàn bộ hệ thống loa phóng thanh công suất lớn chạy dọc biên giới hai miền.

Bước đi quan trọng nhất, được chờ đón nhất là việc Triều Tiên thông báo với Hàn Quốc về kế hoạch đóng cửa bãi thử hạt nhân trong tháng 5 này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết sẽ mời các chuyên gia an ninh và nhà báo đến Triều Tiên để cùng chứng kiến, đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ không cần vũ khí hạt nhân nếu Mỹ chính thức kết thúc chiến tranh và cam kết chính sách không xâm lược. 

Không khí hòa dịu bao trùm bán đảo Triều Tiên đang tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-4 tuyên bố cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ diễn ra theo kế hoạch. Tổng thống Donald Trump thậm chí còn không loại trừ khả năng cuộc gặp này có thể diễn ra tại Nhà Hòa bình/Nhà Tự do, nơi vừa diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử.

Những bước đi quá nhanh, chuyển sang hòa dịu và đối thoại trên bán đảo Triều Tiên đang mở ra cơ hội chấm dứt một trong những cuộc đối đầu, thù địch dai dẳng và nguy hiểm bậc nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, theo giới phân tích chuyên sâu, các bên liên quan mới chỉ đi những bước đầu tiên, còn cần chặng đường dài với không ít chông gai phía trước để tới đích phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ký hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc chiến tranh sau hơn nửa thế kỷ. 

Niềm tin của người dân Hàn Quốc dành cho Triều Tiên đã tăng nhanh chóng sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Reuters dẫn thông tin từ cuộc khảo sát do Realmeter tiến hành cuối tuần qua cho thấy, có tới 64,7% người dân Hàn Quốc tin rằng, Triều Tiên sẽ tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa và tiến tới hòa bình lâu dài. Con số này trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều chỉ là 14,7%.

Trong động thái đáng chú ý liên quan, Anh, Pháp, Đức và Hàn Quốc khi đưa ra thông báo chung ngày 30-4 đã kêu gọi tiếp tục duy trì sức ép và các lệnh trừng phạt Triều Tiên cho tới khi nước này có những hành động cụ thể hướng tới việc phi hạt nhân hóa. Giới phân tích cũng đã đề cập tới trường hợp Lybia từ bỏ hạt nhân 15 năm trước đây, coi đó như là “hình mẫu” mà Mỹ và đồng minh sẽ áp dụng với Triều Tiên.