Chung tay chống tội phạm

ANTĐ - Nỗ lực của một quốc gia, dù có tới mức nào, cũng khó đối phó hữu hiệu với những loại tội phạm có tổ chức như các loại tội phạm về ma tuý, mại dâm, buôn bán người... xuyên quốc gia.

Những vũ khí mà cảnh sát Mexico thu giữ được sau một đợt trấn áp tội phạm ở thành phố Mexico City

tháng 2 vừa qua

Chính quyền của Tổng thống Mexico Felipe Calderon một lần nữa lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung nỗ lực đối phó với tội phạm có tổ chức. Chính quyền Mexico đưa ra lời kêu gọi này khi mà cuộc chiến chống lại các băng nhóm buôn lậu ma tuý vốn là loại tội phạm có tổ chức nguy hiểm nhất tại quốc gia này có đạt được những kết quả đáng khích lệ song lại làm nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng khác.

Mexico trước đây được xem là nơi trung chuyển ma tuý lớn nhất từ nước ngoài vào Mỹ, thị trường tiêu thụ ma tuý lớn nhất thế giới. Ước tính có khoảng 95% lượng cocaine vận chuyển vào Mỹ đi qua tuyến biên giới dài 3.200 km với quốc gia láng giềng phía nam Mexico.

Tuy nhiên, lượng ma tuý vào Mỹ qua Mexico đã giảm rất mạnh thời gian qua. Theo ông Antonio Mazzitelli, đại diện của Văn phòng Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm LHQ (UNODC) tại Mexico, lượng  cocaine từ Mexico vào Mỹ đã giảm từ 53 tấn năm 2007 xuống còn khoảng 10 tấn trong năm 2011.

Thế nhưng điều đáng nói là trong khi lượng ma tuý từ   Mexico vào Mỹ giảm khá mạnh nhưng tình hình tội phạm ma tuý, tội phạm có tổ chức không vì thế mà bớt phức tạp tại    Mexico. Các số liệu thống kê cho thấy, số người chết hàng năm trong các vụ việc liên quan đến ma túy và tội phạm có tổ chức liên tục tăng ở Mexico, từ 2.477 người năm 2007 lên 6.290 người năm 2008 và lên 15.273 người trong năm 2010.

Theo Chính phủ Mexico, có tổng cộng hơn 50.000 người đã bị giết hại trong các vụ bạo lực liên quan đến ma túy và tội phạm có tổ chức ở nước này kể từ năm 2006 đến nay. Nguyên nhân chính dẫn tới con số đáng buồn trên bắt nguồn từ khoảng lợi nhuận khổng lồ, lên tới 20 tỷ USD mỗi năm, từ hoạt động buôn lậu ma tuý.

Chính vì thế, từ tháng 12-2006 đến nay, Chính phủ Mexico đã huy động hàng trăm nghìn binh lính và cảnh sát vũ trang, sử dụng hàng trăm máy bay và tàu thuyền của hải quân vào cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức, đặc biệt là các băng đảng buôn lậu ma túy. Bên cạnh đó, Mexico cũng mạnh tay làm trong sạch hệ thống bảo vệ pháp luật trong cuộc chiến chống tội phạm như trường hợp chính quyền bang Veracruz đã quyết định đuổi việc toàn bộ 800 cảnh sát và 300 nhân viên hành chính tại Veracruz, thành phố lớn nhất trong bang, để giải quyết tận gốc rễ tình trạng tham nhũng tràn lan, bảo kê cho các hoạt động tội phạm có tổ chức.

Song dù mạnh tay tới đâu thì một mình Mexico cũng khó có thể đối phó hiệu quả với tội phạm có tổ chức, nhất là tội phạm ma tuý, vốn đang là vấn đề nhức nhối tại khu vực Mỹ Latin. Tổng thống Calderon cho rằng, các cuộc chiến giữa những nhóm tội phạm có tổ chức vì tranh giành lãnh địa buôn bán ma túy đã biến Mỹ Latin trở thành khu vực bạo lực nhất trên thế giới, do vậy các chính phủ trong khu vực cần nâng cao vai trò của luật pháp, sát cánh cùng nhau chống lại các tổ chức tội phạm.

Trên thực tế, Mexico đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia láng giềng, đặc biệt là Mỹ, để chống lại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Từ năm 2011, Mỹ và lực lượng an ninh Mexico đã triển khai hoạt động hợp tác trị giá 1,3 tỷ USD trong vòng 3 năm nhằm chống lại tội phạm có tổ chức ở Mexico.