Chủ trương giải quyết tranh chấp ở Biển Đông của Việt Nam được dư luận tin tưởng và ủng hộ

ANTD.VN - Chủ trương của Việt Nam kiên trì, kiên quyết giải quyết vấn đề Biển Đông và các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 không những tạo sự tin tưởng của dư luận trong nước, mà còn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Chủ trương giải quyết tranh chấp ở Biển Đông của Việt Nam được dư luận tin tưởng và ủng hộ ảnh 1 Tàu cảnh sát biển tham gia bảo vệ khu vực nhà giàn DK1 trong vùng biển Việt Nam

Kiên trì, kiên quyết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Thời gian gần đây, lợi dụng việc thế giới đang phải tập trung đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc liên tục có các việc làm sai trái, gây căng thẳng trên Biển Đông. Bắc Kinh phê chuẩn thành lập hai đơn vị hành chính mới quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ban hành bản cập nhật tên gọi của hàng chục đảo, đá và thực thể trong lòng biển ở Biển Đông. Tiếp đó, Trung Quốc gửi công hàm lên LHQ trình bày yêu sách “Tứ Sa” với nội hàm là yêu sách “đường lưỡi bò” mở rộng chiếm trên 90% Biển Đông.

Trên thực địa, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines, đặt các trạm nghiên cứu khoa học trên các đảo đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, đưa đội tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế một số nước và thực hiện các hành động ngờ vực trên Biển Đông, đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông…

Những việc làm mà như nhiều chính trị gia và giới học giả nhận xét là “thừa nước đục thả câu” của Trung Quốc khiến cử tri trong nước lo lắng, dư luận quốc tế hết sức quan tâm. Với chủ trương kiên trì, kiên quyết giải quyết vấn đề Biển Đông và các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS, Việt Nam đã đấu tranh kiên quyết để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

Đối với Trung Quốc, ta tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi, trao công hàm, giao thiệp phản đối, trong các dịp tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao, hội đàm song phương, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương hoặc trong khuôn khổ các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lý và hoạt động vi phạm của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động này; không tiếp diễn các hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hoạt động quân sự hóa, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích của Việt Nam.

Cụ thể, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành xử phi pháp của Trung Quốc liên quan đến việc lập ra hai quận đảo Tây Sa và Nam Sa vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời khẳng định các hành vi của Trung Quốc không có giá trị và không được công nhận. Liên quan đến các công hàm của Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại LHQ để bác bỏ các yêu sách này. 

Việt Nam cũng đã chủ động tiếp xúc, thông tin, làm rõ để các nước, các đối tác, bạn bè gần xa, các tổ chức quốc tế và khu vực hiểu chính sách của ta, từ đó vận động họ ủng hộ Việt Nam. Lập trường và chính nghĩa của ta được nhiều nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, ghi nhận trong các văn kiện của các hội nghị có liên quan. Nhiều nước đã có tiếng nói mạnh mẽ phê phán các hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Việt Nam.

Giữ vững nguyên tắc nhưng đối sách phải phù hợp

Trên thực địa, trước những diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng khẳng định chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Để làm được việc đó, Bộ Quốc phòng thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống xảy ra không để bị động, bất ngờ; kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng về tình hình trên biển; phối hợp cung cấp thông tin cho các bộ, ban, ngành Trung ương để phối hợp đấu tranh và kịp thời thông tin đến nhân dân.

Trên thực địa, với các trang thiết bị vũ khí hiện đại được Đảng, Nhà nước đầu tư, Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của các nước, sẵn sàng các phương án xử trí không để bị bất ngờ.

Với phương châm những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp, chúng ta đã giữ vững được chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt là trước sự việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất HD-8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính năm ngoái, chúng ta đã kiên trì xử lý bình tĩnh, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý. 

Thế mạnh của Việt Nam là tính chính nghĩa. Vì thế, việc cung cấp chi tiết, cập nhật thường xuyên hiện trạng hoạt động của các tàu Trung Quốc và các tàu thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam trên bản đồ và các bảng số liệu đã giúp bạn bè quốc tế biết về hoạt động bất hợp pháp của các tàu Trung Quốc. Từ đó, họ lên tiếng chỉ trích những hành vi sai trái, gây mất an toàn, an ninh ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với Việt Nam. 

Trên thực địa, trong suốt thời gian tàu khảo sát địa chất HD-8 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn có mặt 24/24h để thực hiện các hoạt động đấu tranh nhằm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các thành phần khác của lực lượng vũ trang Việt Nam cùng lực lượng kiểm ngư cũng luôn sẵn sàng thực hiện các phương án khi cần thiết. Những nỗ lực đó đã buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi vùng biển của ta. Đồng thời, ta kiểm soát tốt tình hình và an ninh, trật tự xã hội.