Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch "lên ngôi" đe dọa nền kinh tế toàn cầu

ANTD.VN - Dù chưa gây ra hậu quả rõ ràng, song sự “lên ngôi” của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thể hiện qua cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, đang tiềm ẩn mối đe dọa lớn với kinh tế toàn cầu.

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch "lên ngôi" đe dọa nền kinh tế toàn cầu ảnh 1Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đe dọa tới nền kinh tế toàn cầu trong tương lai 

Họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 25-7, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả lớn của các biện pháp đáp trả bằng thuế quan giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ông Roberto Azevedo bày tỏ quan ngại, những hàng rào thương mại có thể trở thành một trạng thái “bình thường mới” trong quan hệ thương mại quốc tế và điều này có thể phương hại cho nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.  

Những cảnh báo của Tổng Giám đốc WTO được đưa ra trong bối cảnh 164 quốc gia thành viên WTO vừa công bố một báo cáo cho biết, các biện pháp hạn chế thương mại đang gia tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, trong giai đoạn từ giữa tháng 10-2017 đến giữa tháng 5-2018, các nước thành viên WTO đã áp đặt 75 biện pháp hạn chế thương mại mới, tức trung bình mỗi tháng có 11 biện pháp được đưa ra, tăng hơn mức trung bình 9 biện pháp/tháng của giai đoạn cùng kỳ 2016-2017. 

Người đứng đầu WTO không chỉ rõ, song ai cũng biết chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đã gia tăng mạnh cùng với chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Ông Donald Trump ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng tháng 1-2017, trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, đã rốt ráo thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết” trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế thương mại. 

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch "lên ngôi" đe dọa nền kinh tế toàn cầu ảnh 2Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng chiến tranh thương mại sẽ khiến GDP thế giới giảm đến 5%

Với lý do “bảo vệ lợi ích của nước Mỹ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một loạt các quyết định gây sốc, rút hay đàm phán lại những thỏa thuận, hiệp định mà chính quyền tiền nhiệm đã ký kết như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); ngừng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA) với Liên minh châu Âu (EU); đàm phán lại Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA)… Tiếp đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump còn làm dấy lên lo ngại sâu sắc về cuộc chiến tranh mậu dịch khi áp đặt thuế nhập khẩu cao đối với nhiều hàng hóa của Trung Quốc và cả các đồng minh EU. 

Trung Quốc và EU cũng chẳng phải vừa khi quyết “ăn thua” với Washington, đáp trả bằng những biện pháp bảo hộ mậu dịch tương xứng. Sự “lên ngôi” đáng buồn của xu hướng bảo hộ thương mại thể hiện qua việc nước Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit). Trong quá trình đàm phán Brexit với EU (chủ yếu là về kinh tế - thương mại), Anh còn tiến hành đàm phán thương mại song phương với các đối tác mới trên phạm vi toàn thế giới.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho rằng, hiện những hậu quả của các biện pháp đáp trả bằng thuế quan giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới dù chưa rõ rệt, chắc chắn sẽ xảy đến trong tương lai với ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, chiến tranh thương mại có thể khiến GDP toàn cầu giảm 0,5% mỗi năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,25% tổng GDP của cả hai nền kinh tế trong năm 2018. Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hiệp quốc tại châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) đánh giá, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển bị chậm lại khoảng 1,2%.

Cho dù toàn cầu hóa hiện vẫn là xu thế chủ đạo và thị trường thế giới trở nên mở hơn, tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đối với không chỉ những quốc gia theo đuổi xu thế này mà còn cả với tăng trưởng toàn cầu.