Chống tội phạm tình dục bằng "thiến hóa học": Không thể trừ tận gốc

ANTĐ - Để ngăn ngừa các vụ phạm tội về tình dục - hiện có xu hướng tăng mạnh, nhất là ấu dâm, người ta nghĩ ngay tới một biện pháp mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng rất thành công - “thiến hóa học”. Tuy nhiên với những rào cản về cả tập tục, tâm lý..., khả năng có một nước thứ 2 ở châu Á sau Hàn Quốc cho phép thi hành án phạt này còn khá xa vời.

Liệu pháp “thiến hóa học” mang lại những hiệu quả nhất định 

trong phòng ngừa tội phạm tình dục

Những hiệu quả… trái chiều

Jesse năm nay 33 tuổi, người Canada. Năm 2004, anh ta bị buộc tội hiếp dâm và tàng trữ trái phép ảnh khiêu dâm trẻ em. Tại tòa, Jesse chủ động xin được “thiến” bằng hóa chất. Ban đầu, bác sỹ hơi do dự với quyết định của Jesse, tuy nhiên anh ta cho hay mình thường xuyên bị giày vò bởi những nhu cầu sinh lý lệch lạc, thậm chí có lúc còn muốn tự sát để giải thoát bản thân. Cuối cùng, Jesse đã được tiêm một liều hóa chất tại trung tâm y tế địa phương sau 17 tháng bị giam.

Từ 4-6 tuần, Jesse lại phải đến đó để tiêm nhắc lại một lần. Sau mũi tiêm đầu tiên, phải đợi chừng 6 tuần thuốc mới phát huy tác dụng. “Về cơ bản, nó hoàn toàn tiêu diệt mọi dục vọng”, Jesse cho biết. Sau thời gian đầu “điều trị”, Jesse vẫn thấy những ham muốn nổi lên khi xem “cảnh ấy” trên ti vi. Song hiện tượng này chấm dứt khi quá trình điều trị kéo dài hơn, và đến nay, khi bắt gặp cảnh “người thực việc thực”, Jesse cũng không còn cảm thấy gì.  

Năm 1966, John William Money, một chuyên gia về giới tính học người Mỹ đã lần đầu tiên tiêm medroxyprogesterone acetate, hoá chất có tính kháng lại hoạt tính của testosterone vào một người bố lưỡng tính, kẻ đã quan hệ với chính con trai ruột mới 6 tuổi của mình. Từ đó, biện pháp “thiến hóa học” bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại nhiều bang của Mỹ. Tuy nhiên ở nhiều quốc gia và khu vực khác trên thế giới, nhất là châu Âu, “thiến hóa học” đã có từ khá lâu trước đó. “Thiến hóa học” trên thực tế cũng tương tự hình phạt “cung hình” thời phong kiến ở Trung Quốc, song nó không thực hiện việc cắt bỏ cơ quan sinh dục, cũng không khiến người phạm tội mất hoàn toàn khả năng sinh sản. 

Chris Hanson, một học giả người Canada đã nghiên cứu dấu vết tội phạm tình dục suốt nhiều năm, cho thấy trong vòng 4-5 năm, tỷ lệ tái phạm là 13,4%, tuy nhiên trong vòng 15-20 năm, những kẻ phạm tội dù đã được “thiến hóa học” vẫn tái phạm với tỷ lệ 35-45%. Tuy nhiên, con số thống kê tại Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch và Iceland cho thấy, sau khi dùng phương pháp “thiến hóa học” này, các vụ xâm hại tình dục trẻ em đã giảm từ 40% xuống còn 5%. 

Còn nhiều rào cản

Ngày 25-5 vừa qua, Hàn Quốc đã áp dụng “thiến hóa học” với một người đàn ông họ Park, kẻ đã hiếp dâm 4 trẻ chưa đủ 13 tuổi trong vòng 18 năm, được cho là không thể cải tạo vì liên tục tái phạm sau khi ra tù, trở thành nước châu Á đầu tiên áp dụng hình phạt này. Việc làm đó của chính quyền Hàn Quốc nhận được sự ủng hộ từ cả dư luận trong và ngoài nước. Ở một số quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam…, mỗi khi xảy ra một vụ xâm hại tình dục trẻ em gây chấn động, người dân thường kêu gọi “học theo Hàn Quốc”. 

Tuy nhiên, theo nhận định chung của nhiều chuyên gia Trung Quốc thì sẽ còn khá lâu để xuất hiện một nước châu Á thứ 2 chấp nhận cách làm này. Dù rằng hiệu quả của phương pháp “thiến hóa học” đã được chứng thực, song các tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe của nó cũng đồng thời được công khai, như tăng hàm lượng mỡ, giảm mật độ xương, thậm chí gây bệnh về thận, tim mạch… Một số nhà lập pháp cho rằng, khi chưa đạt được mục đích ngăn ngừa tội phạm ấu dâm, thì “thiến hóa học” có thể là nguyên nhân thúc đẩy các hành vi phạm tội khác do những cảm xúc tiêu cực mà hóa chất này mang lại.   

Theo bác sỹ Tống Tông Thăng, khoa thần kinh bệnh viện Hồi Long Quan, Bắc Kinh, để có thể áp dụng “thiến hóa học” vô cùng phức tạp vì nó không chỉ đơn thuần là vấn đề y học, mà còn liên quan đến luân lý. “Nhìn từ góc độ y học, nó chỉ là liệu pháp thay thế, không phải một phương pháp điều trị bắt buộc, bởi chúng ta vẫn có thể dùng những loại thuốc khác kèm với liệu pháp tâm lý để hóa giải vấn đề tâm lý này”. Còn giáo sư Hồng Đạo Đức, chuyên ngành luật tố tụng hình sự ở Học viện Luật Trung Quốc thì nhận định, trước mắt việc “thiến hóa học” chưa thực tế vì sẽ phải sửa luật, hơn nữa “phương thức biểu hiện của tội xâm hại tình dục trẻ em rất nhiều, “thiến hóa học” không thể hoàn toàn xóa bỏ hết dục vọng ở các đối tượng phạm tội này”.

“Thiến hóa học” được áp dụng ở nhiều nước châu Âu hiện nay thực chất là một liệu pháp hormone với cách làm phổ biến là tiêm vào người đối tượng phạm tội chất kháng testosterone (androgen hay antiandrogen), khiến nồng độ hormone testosteron trong cơ thể giảm xuống mức trước tuổi dậy thì, vì thế những nhu cầu hay ảo tưởng về tình dục giảm tới mức thấp nhất, những khoái cảm trong quan hệ tình dục cũng gần như không còn.

Lời xin lỗi muộn 55 năm

Tháng 9-2009, Thủ tướng Anh đã thay mặt chính phủ nước này công khai nhận sai và xin lỗi công dân nước này Alan Mathison Turing, nhà toán học, người được coi là cha đẻ của ngành khoa học máy tính. Năm 1952, Turing bị kết án về tội có những hành vi khiếm nhã nặng nề, sau khi ông tự thú có quan hệ đồng tính với một người đàn ông. Turing chấp nhận “thiến hóa học” thay vì ngồi tù, song vì những tác dụng phụ của hóa chất này cùng ức chế về tâm lý, ông đã tự sát bằng xyanua vào năm 1954.