Chống tội phạm ở khu nhà da đỏ

ANTĐ - Giảm tỷ lệ tội phạm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tại các khu bảo tồn người da đỏ được chính quyền Obama xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu. Sau hai năm thực hiện chiến dịch trấn áp tội phạm tại khu bảo tồn Wind River và ba khu bảo tồn khác được xác định là nguy hiểm nhất, bạo lực nhất đất nước, hàng trăm quan chức thuộc các cơ quan liên bang đã được triển khai tới bốn khu bảo tồn này, tỷ lệ tội phạm có chiều hướng giảm ở ba trong bốn khu. Nhưng Wind River thì ngược lại. Tội phạm bạo lực ở đây đã tăng thêm 7% trong vòng 2 năm qua.

Nằm lọt giữa những đỉnh núi tuyết phủ, được bao quanh bởi những dòng sông cá hồi và mang một cái tên đượm chất đồng quê Wind River (Sông Gió), những tưởng Wind River là một khu bảo tồn thanh bình, nhưng nơi đây lại là mảnh đất của tội phạm và bạo lực. Tỷ lệ tội phạm ở khu bảo tồn này cao gấp 5 đến 7 lần tỷ lệ trung bình của toàn quốc và có một lịch sử dài về những vụ giết người dã man.

Chỉ trong hai năm thực hiện chiến dịch trấn áp tội phạm ở các khu bảo tồn, những vụ án mạng ở Wind River đã tăng đáng kể, trong đó phải kể đến vụ giết hại dã man một bé gái 13 tuổi, vụ hành hung đến chết một người đàn ông 25 tuổi. Tội phạm đã trở thành vấn đề nhức nhối nhất ở khu bảo tồn này cùng với những vấn đề khác như chất lượng cuộc sống… Tuổi thọ trung bình của những người dân ở đây chỉ vào khoảng 49 tuổi, thấp hơn 20 tuổi so với người dân Iraq.

Tỷ lệ thất nghiệp ước tính trên 80%. Tỷ lệ học sinh bỏ học khoảng 40%, cao gấp hai lần tỷ lệ trung bình của bang. Trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng hành xử bạo lực gấp hai lần so với trẻ em cùng lứa ở những nơi khác. Lạm dụng trẻ em, tấn công tình dục, bạo lực gia đình… đã trở thành những căn bệnh trầm kha trong cộng đồng. Nghiện rượu và ma tuý cũng phổ biến đến nỗi đã trở thành rào cản đối với người dân tiếp cận việc làm. Những khó khăn của khoảng 14.000 người dân ở khu bảo tồn Wind River đã khiến nhiều người cho rằng khu bảo tồn đã bị linh hồn vô tội 1.864 nạn nhân trong những vụ án mạng ám ảnh.

Câu hỏi đặt ra là tại sao những khu bảo tồn khác có thể kiềm chế được tội phạm trong khi Wind River lại không thể. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một số người lại đổ lỗi cho chính sự cô lập về địa lý và sự thờ ở đối với khu bảo tồn, một số khác lại cho rằng nguyên nhân nằm ở số đông trẻ hư hỏng đang được các thế hệ ông bà nuôi dưỡng nhưng lại không có khả năng theo sát chúng hàng ngày. Nạn băng nhóm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng ở một số khu sinh sống của người da đỏ. Những băng nhóm như Wild Boyz, TBZ, Nomads... ngày càng mọc lên nhiều ở những khu sinh sống của người da đỏ, lôi kéo trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn vào con đường tội phạm.

Trong những năm qua, nạn băng đảng ở các khu bảo tồn nói chung trở thành nỗi nhức nhối của chính quyền. Chỉ riêng khu bảo tồn Navajo ở Arizona đã thống kê được 225 băng nhóm tội phạm, trong khi con số này là 75 vào năm 1997. Các băng nhóm này cũng được tổ chức và hoạt động giống như các băng đảng đường phố ở các thành phố lớn, có lãnh đạo, phân thứ bậc và dính líu đến các hoạt động tội phạm như buôn bán ma túy, vũ khí. Một số băng nhóm ở khu Pine Ridge như nhóm Tre Tre được hình thành khi những thành viên gặp nhau trong tù hoặc sống lang thang ở ngoài khu bảo tồn, rồi tụ họp lại với nhau. Một số băng nhóm có số thành viên lên đến cả trăm thanh thiếu niên, còn đại đa số các băng nhóm kiểu này chỉ có khoảng trên dưới 20 thành viên. So với những băng nhóm tương tự ở thành phố thì những băng nhóm trong các khu bảo tồn người da đỏ có khuynh hướng bạo lực hơn, sẵn sàng tấn công đối thủ khi có va chạm.

Cùng với sự gia tăng của các băng nhóm là các hoạt động tội phạm. Hoạt động tội phạm, nhất là ở những khu ở miền Tây, Tây Bắc và Đông Bắc, tăng mạnh. Bạo lực, tội ác tràn lan, dường như ngày nào cũng có đụng độ giữa các băng nhóm. Cuộc sống ở khu bảo tồn giống như ở những khu ổ chuột. Chỉ riêng ở khu Pine Ridge, cảnh sát đã thống kê được hàng nghìn vụ trộm cắp, bạo lực, trộm tài sản và một số vụ án mạng trong những năm qua. Người dân trong khu bảo tồn ngày càng lo ngại đến sự an toàn tính mạng và tài sản. Nhà cửa, xe hơi có thể bị đột nhập, đánh cắp hoặc bị phá hoại bất cứ khi nào. Ông Iron Cloud cho biết, dường như ngày nào cũng xảy ra bạo lực, đôi khi chúng đối đầu với nhau chỉ vì những thùng lương thực khi những khoản viện trợ của chính quyền liên bang cho khu Pine Ridge ngày một giảm.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, tình trạng các băng nhóm ở các khu bảo tồn gia tăng là do thiếu các chương trình dành cho thanh thiếu niên và sự xói mòn pháp luật, văn hóa và điều kiện sống. Những băng nhóm của thanh niên da đỏ mọc lên chủ yếu ở những khu vực nghèo nhất và ít được quan tâm nhất. Một nguyên nhân nữa là do lực lượng bảo vệ pháp luật mỏng. Ông John Mousseau, Chủ tịch Hội đồng tư pháp của khu bảo tồn, cho biết, lực lượng cảnh sát cũng suy giảm tới hơn một nửa. Hiện nay, mỗi ca tuần tra trong cả khu Pine Ridge chỉ có từ 12 đến 20 nhân viên cảnh sát. Tổng trưởng lý Eric H.Holder Jr đã đề nghị tăng kinh phí cho lực lượng cảnh sát, hệ thống tòa án và các chương trình dành cho thành thiếu niên, tăng cường các hoạt động ngăn chặn bạo lực gia đình và bạo lực đường phố đang lan tràn ở các khu bảo tồn. Song, thậm chí ngay cả khi tăng cường việc kiểm soát, một số nhà lãnh đạo khu bảo tồn vẫn cho rằng, việc loại trừ các băng nhóm về lâu dài là phải khôi phục lại văn hóa vì hiện nay, giới trẻ đang phải sống trong một môi trường giao thoa văn hóa giữa Phi, Mỹ và Latinh. Nhưng bản sắc của họ là văn hóa truyền thống Lakota. Chính văn hóa và những nghi thức truyền thống sẽ kéo thành thiếu niên trở lại với cuộc sống cộng đồng.