Choáng với đủ kiểu lợi dụng nữ sinh trung học “làm hàng”

ANTĐ - Cảnh sát Tokyo, Nhật Bản ngày 12-5 thông báo đã khởi tố 3 người, trong đó có một chủ cửa hàng 41 tuổi khi cung cấp các dịch vụ lợi dụng nữ sinh trung học để thực hiện hành vi khiêu dâm. Dù bị phát hiện, xử lý liên tục nhưng các dịch vụ liên quan đến các cô gái trẻ này ngày càng mọc ra quái dị hơn.
Choáng với đủ kiểu lợi dụng nữ sinh trung học “làm hàng” ảnh 1

Tang vật cảnh sát Tokyo thu được ở cửa hàng gấp giấy nghệ thuật có tuyển nữ sinh

Cửa hàng xem nghệ thuật giá cao

Trong cuộc đột kích của cảnh sát hôm 27-2, Takamitsu Fujii, người quản lý cùng 2 thành viên khác của cửa hàng Sea Angel, ở khu Ikebukuro, quận Toshima, Tokyo đã bị bắt quả tang khi đang cung cấp “dịch vụ JK”, trong đó các cô gái tuổi vị thành niên vừa ngồi gấp giấy nghệ thuật origami vừa tạo dáng mở chân để lộ đồ lót của mình. Khách hàng nam được ngắm cảnh này qua một chiếc gương. Lực lượng chức năng xác định đó là dịch vụ “có hại”, mang tính kích dục, đồng thời vi phạm luật lao động. 

Qua điều tra, tay chủ Takamitsu Fujii từ tháng 2 đã thuê nữ sinh trung học vào làm dịch vụ này dù biết rằng họ dưới 18 tuổi. Các em này mặc đồng phục nữ sinh khi làm việc tại cửa hàng. Có thời điểm, đường dây kinh doanh này thuê tới 30 nữ sinh từ 16-18 tuổi. Nó đã thu về trung bình 2 triệu yên mỗi tháng trong vòng 2 năm hoạt động.

Theo các nhà điều tra, khách hàng biết đến dịch vụ này qua truyền tai nhau và qua mạng Internet, mỗi người bỏ ra khoảng 5.000 yên cho mỗi “show” chừng 40 phút. Thậm chí, khách hàng nào có nhu cầu có thể chi thêm tiền để bỏ gương sang một bên và được sờ vào chân của nữ nhân viên trong cửa hàng.

Nhà chức trách Nhật Bản đang thắt chặt các quy định liên quan đến “dịch vụ JK”, trong đó JK là viết tắt của cụm từ tojoshi kosei (nữ sinh trung học). Tại Nhật Bản, JK là “thương hiệu” có giá trị cao nên rất nhiều đối tượng nhắm vào khai thác cho những dịch vụ vi phạm pháp luật, và trái cả về đạo đức.

Từ những năm 1990, những trang phục nữ sinh như đồng phục, quần sooc tập thể dục, áo tắm đã mặc qua, chưa giặt đã được bán rất đắt khách ở các cửa hàng có tên gọi buru-sera. Sau đó đến trào lưu enjo Kosai, nghĩa là “hẹn hò có thưởng” với nữ sinh. Gần đây, cảnh sát đã bắt giữ những kẻ mở dịch vụ JK rifure (bấm huyệt), nơi các nữ sinh massage và nằm cạnh khách hàng hay JK chụp ảnh – thoải mái chụp ảnh cùng nữ sinh.

Một báo cáo về vấn đề nhân quyền ở Nhật Bản của Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái còn chỉ ra dịch vụ  JK o-sanpo là hình thức mại dâm trá hình, trong đó những người đàn ông lớn tuổi trả tiền để được “đi dạo” với một nữ sinh trung học, sau đó điểm cuối thường là phòng hát karaoke hoặc quán cà phê.

Chế tài chưa chặt

Rõ ràng dịch vụ khai thác nữ sinh trung học có rất nhiều biến thể và hầu hết đều lách luật khi chọn các cô gái trẻ vào những công việc hợp pháp. Tuy nhiên, những loại hình kinh doanh này đều đáng lên án vì nó không chỉ vi phạm Luật Lao động mà còn phạm vào Luật Phúc lợi trẻ em, trong đó, người vi phạm bị xử theo Luật Phúc lợi trẻ em sẽ phải chịu án phạt nặng hơn, mức án lên tới 3 năm tù và 1 triệu yên tiền phạt. 

Năm ngoái, một tay quản lý ở Osaka rơi vào trường hợp này. Đối tượng bị bắt khi các nữ sinh trung học 17 tuổi làm việc cho anh ta mặc váy ngắn và massage cho một khách hàng nam giới chỉ mặc quần lót. Viên quản lý còn có một camera giám sát lắp ở phòng chờ để theo dõi nhân viên nữ nào đến muộn hoặc vắng mặt.

 Đối tượng đã bị cáo buộc vi phạm Luật Phúc lợi trẻ em vì hành vi bắt nữ sinh xoa bóp cho một người đàn ông gần như khỏa thân được coi là “gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần hoặc thể chất của trẻ”. Mặc dù vậy, phần lớn các trường hợp vi phạm từ trước đến nay đều bị xử theo Luật Lao động và đối tượng khách hàng – động cơ của các dịch vụ kinh doanh JK hầu như không bị pháp luật sờ gáy.

Bà Hifumi Okunuki, giảng viên luật tại Đại học Phụ nữ Sagami, Nhật Bản cho rằng, các loại hình kinh doanh JK phát triển mạnh không chỉ phản ánh sự bất cập của luật pháp mà nguyên nhân sâu xa chính là vấn đề đối xử với phụ nữ. Các cô gái trẻ xốc nổi dễ bị huyễn hoặc bởi những lời ca tụng của khách hàng khi được khen đẹp, đáng yêu, có thân hình gợi cảm… nên dễ bị người ta khai thác như một món hàng, chưa kể có thể gặp phải những gã đàn ông nguy hiểm. Theo bà Hifumi Okunuki, trân trọng và đối xử tốt hơn với phụ nữ có thể giúp thay đổi hiện tượng xã hội này.