“Chợ đen” nội tạng sôi động

ANTĐ - Để có tiền trang trải cuộc sống, nhiều người dân Trung Quốc đã bán đi một phần quý giá trên cơ thể mình. Những câu chuyện rùng mình bị phát hiện đã buộc Chính phủ Trung Quốc đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán nội tạng bất hợp pháp.
Những chuyện rùng mình Steve Jobs, người sáng lập hãng Apple Inc. cung cấp ra thế giới các sản phẩm máy nghe nhạc iPod, iPhone và iPad có lẽ không bao giờ tưởng tượng được rằng một thanh niên ở Trung Quốc đã bán thận để mua chiếc máy tính bảng iPad 2. Tiểu Trịnh, 17 tuổi, đã bán đi một quả thận của mình với giá 22.000NDT (3.300USD) thông qua giao dịch ngầm, chỉ để có tiền mua chiếc iPad2 và một chiếc máy tính xách tay. Câu chuyện về Tiểu Trịnh, một chàng trai nông thôn nghèo đã xuất hiện trên mạng Internet, thu hút hàng nghìn ý kiến bình luận. Nhiều người tỏ ra giận dữ đối với tình trạng buôn bán nội tạng trái phép trên thị trường “chợ đen” ở Trung Quốc. Cách đây vài tháng, Hồ Kiệt, 26 tuổi, một công nhân ở tỉnh Hồ Nam đã quyết định bán đi một quả thận để trang trải cuộc sống. Hồ Kiệt đã từng suy nghĩ lại về vụ giao dịch này, nhưng trước khi anh từ chối, những kẻ môi giới đã dồn anh vào một góc rồi đưa lên bàn phẫu thuật, không lâu sau, quả thận được lấy ra. “Đó là một căn phòng tối, lạnh lẽo và tồi tàn”, Hồ Kiệt kể lại, “Tay bác sĩ chọc cây kim vào người khiến tôi lịm đi”. Câu chuyện kinh hoàng của anh đã được đăng tải trên Internet vào tháng 2 vừa qua, khiến Bộ Y tế Trung Quốc phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm vào các bệnh viện tiến hành phẫu thuật ghép tạng không phép. Cuối tháng 3 vừa qua, nhà chức trách tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc đã thu hồi giấy phép y tế của Bệnh viện Trường Lương, nơi anh Hồ Kiệt bị cắt thận. Các hoạt động của bệnh viện này đã bị đình chỉ, còn các nhân viên y tế tham gia vụ việc có thể sẽ phải đối mặt với các hành động pháp lý.
“Chợ đen” nội tạng sôi động ảnh 1
Một ca phẫu thuật lấy tạng ở Trung Quốc
Không có thống kê chính thức về số lượng các vụ giao dịch nội tạng bất hợp pháp diễn ra ở Trung Quốc mỗi năm, nhưng những câu chuyện kinh hoàng thỉnh thoảng lại xuất hiện, cho thấy đang tồn tại một thị trường “chợ đen” khá sôi động. “Những đường dây buôn bán nội tạng ngầm có hệ thống phân cấp nghiêm ngặt“, Hồ Kiệt nói, “Những đối tượng phụ trách việc tìm kiếm người bán nội tạng ở cấp thấp nhất, tiếp đến là những kẻ giao dịch với người mua tạng, cuối cùng là những kẻ “bảo kê” bệnh viện”.Nhan nhản quảng cáo trên mạng Cả Tiểu Trịnh và Hồ Kiệt đều liên lạc với những đối tượng trung gian bất hợp pháp qua Internet. Theo họ, chỉ cần kích chuột là xuất hiện đầy rẫy các trang web quảng cáo hấp dẫn mua bán nội tạng. Lưu Dương, một quan chức tỉnh Sơn Tây cho rằng, việc thiếu hụt nguồn cung lớn là cơ hội làm ăn của những kẻ giao dịch ngầm. Thống kê cho thấy, khoảng 1,5 triệu bệnh nhân nằm trong danh sách chờ ghép tạng ở Trung Quốc, nhưng số lượng người đăng ký hiến tặng chỉ khoảng 10.000, chiếm chưa đầy 1% nhu cầu. Theo ông Lưu Dương, lý do chính dẫn đến sự thiếu hụt trên nằm ở quan niệm truyền thống của người Trung Quốc rằng khi chết linh hồn ra đi nhưng thân xác còn lại và phải nguyên vẹn, như vậy việc lấy tạng tất nhiên không thể thực hiện được. Do thị trường “chợ đen” sôi động, rất nhiều người giàu có ở Nhật Bản và các quốc gia khác đang hướng tới ngành công nghiệp ghép tạng đang nở rộ ở Trung Quốc, bằng cách chi trả hàng chục nghìn USD để được ghép gan và thận. Như trường hợp của Kenichiro Hokamura. Khi thận hỏng, ông đối mặt với lựa chọn: chờ đợi để được ghép tạng hoặc lên mạng tìm kiếm thông tin rao bán tạng. Vị doanh nhân Nhật Bản, 62 tuổi này cho biết, nếu chờ ông sẽ chết trước khi được ghép thận, do phải đợi rất lâu mới đến lượt. Do vậy, chỉ 10 ngày sau khi liên lạc với một người môi giới người Nhật ở Trung Quốc, ông tới một bệnh viện ở Thượng Hải để được ghép thận với giá 6,8 triệu yên (53.000USD). Nỗ lực ngăn chặn Năm 2007, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định cấm người còn sống hiến tạng, ngoại trừ các trường hợp là vợ chồng, họ hàng ruột thịt, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ và con nuôi trong gia đình. Cùng với đó, chính phủ nước này quy định, thậm chí trong trường hợp người hiến tạng là người thân thiết, cả bệnh nhân và người hiến tạng đều phải cung cấp bằng chứng pháp lý về mối quan hệ máu mủ, hôn nhân hay phải qua kiểm tra DNA. Tháng 2 năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật hình sự sửa đổi, theo đó xác định việc tổ chức cho người khác bán tạng là hành vi tội phạm. Lưu Minh Tường, Phó chủ nhiệm khoa Luật trường Đại học Nhân dân cho rằng, hình sự hóa hoạt động giao dịch tạng ngầm là một bước tiến quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng này. Lưu Minh Tường kêu gọi thực hiện nhiều hơn nữa các chiến dịch tuyên truyền cho người dân hiểu được những tác hại thông qua giao dịch tạng ngầm đồng thời nâng cao nhận thức đối với các chương trình hiến tạng sau khi chết. Tháng 3-2010, Bộ Y tế và Hiệp hội chữ thập đỏ Trung Quốc đã phát động một chương trình thử nghiệm hiến tạng tại 11 tỉnh thành. Tuy nhiên, tính đến tháng 2-2011, chương trình không đạt được kết quả như mong đợi khi chỉ có 37 người hiến tạng. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu, chính phủ nên “giảm các chi phí y tế cho những người hiến tạng trong thời gian họ nằm viện và trợ giúp chi phí ma chay cho họ”. Ông Hoàng Khiết Phu cũng đề nghị sử dụng các khoản trợ giúp tài chính khác như giảm thuế, bảo hiểm y tế hay miễn đóng học phí cho thành viên gia đình người hiến tạng.