Chính trường nước Mỹ rạn nứt bởi loạt "bom thư"

ANTD.VN - Tranh cãi căng thẳng trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ ở Mỹ giờ không dừng lại ở những lời chỉ trích, nhạo báng lẫn nhau giữa hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, mà đã chuyển sang bằng công cụ bạo lực - “bom thư”.

Chính trường nước Mỹ rạn nứt bởi loạt "bom thư" ảnh 1Bưu phẩm với thiết bị gây nổ gửi đến tư gia cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden

Đến nay, tổng cộng 10 gói bưu kiện có chứa thiết bị nổ đã được phát hiện. Trong số các mục tiêu mà các “bom thư” này nhắm tới có cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington, tư gia của vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Hillary Clinton ở ngoại ô New York, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, trụ sở làm việc cũ của cựu Giám đốc đài CNN John Brennan.

Các phân tích ban đầu cho thấy cấu tạo của các “bom thư” này giống nhau, đều là những quả bom dạng ống. Mặc dù, một số quan chức Mỹ gọi đây là một hành động khủng bố, nhưng các chuyên gia về bom cho rằng, dựa trên thiết kế thô sơ, có vẻ như những bom thư này được thực hiện nhằm gieo rắc sự sợ hãi hơn là mục đích gây thương vong.

Nhà chức trách chưa rõ động cơ, thủ phạm của những vụ đặt bom này và cũng chưa có quả “bom thư” nào phát nổ, nhưng tác động tâm lý của nó với chính trường nước Mỹ mùa bầu cử thì đã rõ. Xã hội và chính trường Mỹ vốn đã chia rẽ giờ sẽ rạn nứt thêm. Vì có một điểm chung là các bưu kiện có chứa thiết bị nổ đều được gửi đến các nhân vật thường xuyên chỉ trích Tổng thống Donald Trump, nên các chính trị gia từ cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa lập tức lao vào cãi vã nhau. 

Trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy Đảng Dân chủ có nhiều cơ hội sẽ giành thế đa số tại Hạ viện, những người ủng hộ ông Trump cho rằng vụ “bom thư” là một phần trong chiến dịch “cờ giả” nhằm gây nhiễu loạn thông tin bất lợi cho Đảng Cộng hòa. Điều này có thể giúp Đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ.

Về phía ông Trump, phát biểu với đám đông ủng hộ ở bang Wisconsin hôm 25-10, ông đổ lỗi cho giới truyền thông dòng chính của Mỹ. Ông Trump cáo buộc: “Một phần rất lớn bầu không khí giận dữ tràn ngập mà chúng ta thấy hiện nay trong lòng xã hội được gây ra bằng phương cách đưa tin sai sự thật có mục đích của truyền thông dòng chính mà tôi gọi đó là tin tức giả mạo”.

Phe Dân chủ thì cho rằng, căng thẳng chính trị và chia rẽ ở nước Mỹ cùng  vụ “bom thư” dường như là kết quả của các hành động và phát ngôn của ông Trump. Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cáo buộc: “Hết lần này tới lần khác, Tổng thống Mỹ dường như đã chia rẽ người Mỹ bằng lời nói và hành động”. Hai chính trị gia này còn cho rằng ông Trump dường như gián tiếp cổ súy hành động bạo lực.

 Cũng nhân vụ việc này, phe Dân chủ tập trung chỉ trích chính sách cứng rắn của ông Trump, từ quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, đến việc chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), những thể chế quốc tế mà người tiền nhiệm là ông Obama ủng hộ. Đảng Dân chủ cho rằng chính sách của ông Trump gây thiệt hại cho ảnh hưởng và lợi ích của nước Mỹ trên thế giới.

Nước Mỹ trước bầu cử giữa kỳ quả là đang chia rẽ sâu sắc, thậm chí đối đầu. Nhiều chính trị gia đã phải lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết nội bộ và lên án các hành động bạo lực chính trị. Trong một tuyên bố, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, “bom thư” là một cảnh báo cho thấy nước Mỹ cần phải đoàn kết để vượt qua sự chia rẽ. Liệu vụ “bom thư” có thể tác động đến kết quả bầu cử giữa kỳ? Chưa thể khẳng định chắc chắn nhưng điều rõ ràng là nỗi lo sợ đánh bom đã tạo nên một cơn bão hoàn hảo để tung hỏa mù thông tin trước khi cuộc bầu cử quan trọng này diễn ra.