Chiêu trò lợi dụng tự do dân chủ để xuyên tạc, nói xấu, chống phá

ANTD.VN - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đang có sự bùng nổ, đem lại lợi ích to lớn cho người dùng. Nhưng mặt trái của “thế giới ảo” thì cũng tác hại khôn lường, nếu như để mạng xã hội bị lợi dụng vào mục đích xấu. Thực tế đó là điều mà cả thế giới và Việt Nam phải đối mặt.

Những âm mưu trong “thế giới ảo”

Chiêu trò lợi dụng tự do dân chủ để xuyên tạc, nói xấu, chống phá ảnh 1Các mạng xã hội cần được quản lý theo pháp luật để không bị lợi dụng

Mới đây, liên quan đến vụ chống người thi hành công vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), một số đối tượng xấu đã lợi dụng các nền tảng xuyên biên giới như Facebook để đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc bản chất vấn đề khiến dư luận hoang mang, chia rẽ, từ đó kích động người dân chống đối chính quyền. 

Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cũng đã tạm giữ hình sự đối tượng Chung Hoàng Chương, người đã cho đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, làm mất uy tín của cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ Đồng Tâm.

Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội bị lợi dụng vào mục đích xấu. Còn nhớ hồi tháng 6-2018, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong cả nước đã xảy ra các cuộc biểu tình gây rối an ninh chính trị. Nguyên nhân là do những đối tượng xấu đã tận dụng mạng xã hội để tung tin bịa đặt rằng Việt Nam bán đất tại 3 vị trí chiến lược là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cho nước ngoài với thời hạn 99 năm.

Đặc biệt, những năm gần đây, các thế lực thù địch đẩy mạnh việc lợi dụng mạng xã hội để chống phá Việt Nam. Chúng xây dựng các trang web, đặt máy chủ ở nước ngoài, đăng tải thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo; phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới; cổ xúy cho các giá trị dân chủ, nhân quyền theo kiểu phương Tây. Chúng tìm cách “làm nóng” các vấn đề xã hội, kích động người dân biểu tình với các lý do như “bảo vệ chủ quyền biển đảo”, “đấu tranh chống tham nhũng”…

Trên thế giới, theo kết quả khảo sát ở góc độ chính trị - xã hội, 10 năm gần đây, mạng xã hội đã khiến nhiều quốc gia phải điêu đứng, bất ổn về an ninh quốc gia và đời sống chính trị. Tại Trung Đông và Bắc Phi, hầu hết những biến động chính trị lớn dẫn tới sự sụp đổ chính quyền ở một loạt quốc gia như Tunisia, Ai Cập, Libya... đều có sự tham gia của mạng xã hội.

Trong các sự kiện như bạo động đường phố vào tháng 8-2011 ở Anh, phong trào “chiếm phố Wall” ở Mỹ cùng nhiều hoạt động tương tự tại nhiều nước trên thế giới, những người tham gia đều sử dụng Facebook, Twitter như “vũ khí” lợi hại để tập hợp lực lượng.

Tự do trên mạng xã hội không có nghĩa là xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông thế giới (IUT), tính đến tháng 1-2019, trên thế giới có hơn 4,3 tỷ người tiếp cận được với Internet, chiếm 57% dân số toàn cầu; hơn 3,4 tỷ người đăng ký tham gia mạng xã hội, chiếm 45% dân số thế giới; hơn 5,1 tỷ người dùng thiết bị di động, chiếm 67% dân số thế giới.

Với Việt Nam, sau hơn 22 năm kể từ khi chính thức kết nối với internet toàn cầu (19-11-1997), từ con số 200.000 người sử dụng trong thời gian đầu, đến nay đã có 64 triệu người sử dụng Internet. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian người Việt Nam dành cho smartphone, mạng xã hội, cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới.

Với số người sử dụng mạng xã hội lớn như vậy, thông tin đăng tải được chia sẻ theo “cấp số nhân”. Vì thế, mạng xã hội có tác động không nhỏ đến việc tiếp nhận thông tin của người dân Việt Nam. Sự bùng phát mạnh mẽ của truyền thông và mạng xã hội vừa giúp người đọc có những kênh tiếp nhận thông tin đa chiều, vừa có điều kiện bày tỏ chính kiến, thái độ phản biện.

Thế nhưng, trong “xa lộ thông tin” đầy sôi động ấy, không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, bị cuốn theo những vấn đề “nóng”, những vụ việc gay cấn, giật gân, mà quên đi nhiệm vụ của chính mình trên mạng xã hội. Một số bài viết trên các trang mạng không chính thống, không bảo đảm về độ chính xác lại được nhiều người chia sẻ, trong khi chính bản thân họ cũng chưa tìm hiểu sâu, chưa thẩm định kỹ càng thông tin mình tiếp nhận. 

Nếu không cẩn thận phân tích thông tin trên mạng, không nhận biết được thông tin thật, giả, thông tin bịa đặt, thông tin xấu độc, mỗi hành động của người đọc như phát ngôn, nhấn nút “like” (thích), bình luận, chia sẻ… vô hình trung góp thêm tác nhân gây “bão” thông tin, cổ vũ cho những thông tin xấu. Hệ quả là cứ vào mạng xã hội là thấy nghịch cảnh, chuyện sai trái, xã hội đầy rẫy màu đen, tương lai đất nước u ám, đời sống xã hội rối ren, phức tạp…

Tự do trên mạng xã hội không có nghĩa là ai thích viết gì, nói gì, muốn xâm phạm cá nhân, tổ chức nào cũng được. Mạng xã hội cũng không thể là nơi để các thế lực chống đối, thù địch thoải mái lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, chống phá. Với những người cố tình đưa thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt lên mạng, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước…, cần phải xác định đó là những người vi phạm pháp luật phải xử lý. 

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google yêu cầu giải quyết các đề nghị ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội. 

Với mỗi người dân, điều cần thiết phải là những người đọc thông thái. Cần thận trọng, cảnh giác để mình không trở thành người tiếp tay cho thông tin xấu độc, nhất là khi tương tác trên mạng xã hội.