Chiều sâu khủng hoảng

(ANTĐ) - Những cuộc biểu tình chấn động Hàn Quốc cứ nối tiếp nhau bất chấp mọi động thái thỏa hiệp hay cứng rắn của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak cho thấy làn sóng chống đối không chỉ đơn thuần là hệ quả một cuộc khủng hoảng thịt bò.

Chiều sâu khủng hoảng

(ANTĐ) - Những cuộc biểu tình chấn động Hàn Quốc cứ nối tiếp nhau bất chấp mọi động thái thỏa hiệp hay cứng rắn của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak cho thấy làn sóng chống đối không chỉ đơn thuần là hệ quả một cuộc khủng hoảng thịt bò.

Hàng chục nghìn người vây quanh Tòa thị chính

Hàng chục nghìn người vây quanh Tòa thị chính

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc lại có một ngày cuối tuần nữa rung chuyển bởi dòng thác biểu tình khồng lồ. Cảnh sát ước tính có khoảng 50.000 người tham gia biểu tình ngày 5-7 nhưng các nhà tổ chức cho biết con số này lớn hơn nhiều, lên tới khoảng 500.000 người.

Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ khi làn sóng phản đối nhập khẩu thịt bò Mỹ do lo ngại bệnh bò điên bùng phát hơn 2 tháng trước. Trước đó cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên diễn ra ngày 10-6 với ít nhất 80.000 người tham gia và cuộc biểu tình dữ dội nhất ngày 28-6 khi có tới hơn 200 người bị thương.

Những cuộc biểu tình phản đối nhập khẩu thịt bò Mỹ trong hơn 2 tháng qua đã làm chao đảo chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak. Nhằm giảm sự phẫn nộ của dân chúng, Chính phủ Hàn Quốc phải thương lượng với Mỹ về thỏa thuận nhập thịt bò, đích thân Tổng thống Lee Myung-bak phải hai lần lên tiếng xin lỗi người dân, tiến hành cải tổ Nội các và cách chức các cố vấn thân cận... Không xoay chuyển được tình hình, ông Lee Myung-bak lại ra lệnh mạnh tay với người biểu tình.

Nhưng tất cả những biện pháp dù “mềm” hay “rắn” của Tổng thống Lee Myung-bak đều không thể xoa dịu sự tức giận của dân chúng. Bởi người dân không còn tin tưởng trước những quyết sách của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak vốn đã bị suy giảm uy tín kỷ lục.

Theo các nhà phân tích, việc nhập khẩu thịt bò Mỹ không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới sự phẫn nộ của công chúng Hàn Quốc. Họ cho rằng dưới bề mặt cuộc khủng hoảng thịt bò còn thấp thoáng những thất bại chính sách của chính quyền, các khó khăn kinh tế chồng chất do giá dầu mỏ leo thang, phong cách quản lý của Tổng thống Lee Myung-bak...

Chưa đầy nửa năm trước, ông Lee Myung-bak bước vào Dinh Tổng thống với uy tín cao vọt sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cũng như sự ngưỡng mộ của người dân với kế hoạch 747.

Tức là tăng trưởng kinh tế 7% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người 40.000 USD và Hàn Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới nhằm tái lập “kỳ tích sông Hàn”.

Thế nhưng thực tế nửa năm qua cho thấy Tổng thống Lee Myung-bak chưa làm được gì nhiều để thực hiện cam kết tranh cử. Trái lại, theo Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD), kinh tế Hàn Quốc lại đang sụt giảm nghiêm trọng với tốc độ tăng trưởng quý 1 năm nay chỉ còn 3,3% trong khi con số này quý 4 năm trước là 6,4%. Khó chồng thêm khó khi giá xăng dầu tăng và giá đồng Won đã sụt giảm 11% so với đồng USD.

Giới quan sát cho rằng tiếp nối cuộc khủng hoảng thịt bò, chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do giá xăng dầu leo thang. Ghi nhận tại cuộc biểu tình ngày 5-7, hãng tin AFP dẫn lời một người dân Hàn Quốc nói rằng không còn niềm tin vào chính quyền.

Hoàng Tuấn