Chiều sâu cuộc "quyết đấu" vụ bắt giữ "nữ tướng" Tập đoàn Huawei

ANTD.VN - Bất chấp những “cú đòn” kiểu “vừa đấm vừa xoa” cũng như ngỏ ý “xuống thang” của Trung Quốc song cả Mỹ và Canada vẫn tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh trong vụ bắt giữ “nữ tướng” Huawei.

Chiều sâu cuộc "quyết đấu" vụ bắt giữ "nữ tướng" Tập đoàn Huawei ảnh 1Phía sau vụ bắt giữ “nữ tướng” Huawei Mạnh Vãn Chu (phải) là một quyết đấu ác liệt giữa Mỹ và Canada với Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Marc Raimondi ngày 22-1 cho biết, cơ quan này đã lên kế hoạch theo đuổi việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) - Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei của Trung Quốc, người bị bắt ở Canada theo đề nghị của Mỹ - trước thời hạn chót ngày 30-1 tới. Ông Raimondi khẳng định, Mỹ quyết dẫn độ bị can Mạnh Vãn Chu từ Canada về Mỹ trước thời hạn chót đặt ra trong Hiệp ước Dẫn độ Mỹ-Canada.

Trước đó, bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính, đồng thời là con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei - bị bắt giữ tại sân bay Vancouver (Cannada) vào ngày 1-12-2018 theo đề nghị của Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Việc bắt giữ “nữ tướng” Huawei đã lập tức làm bùng phát căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Trung Quốc cho rằng vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là một “âm mưu chính trị” nhằm ngầm làm suy yếu Tập đoàn Huawei vốn đang phát triển rất mạnh ra toàn cầu. Bắc Kinh cũng đã phản ứng quyết liệt, tung ra các đòn được “phản kích”, nhất là với Canada để gây sức ép tối đa.

Trong động thái được cho nhằm trả đũa vụ bắt sếp nữ của Huawei, Trung Quốc đã bắt giữ 13 công dân Canada, trong đó có 2 công dân Canada bị cáo buộc liên quan tới an ninh quốc gia. Đặc biệt, tòa án Trung Quốc cũng đã kết án tử hình một người đàn ông Canada vì tội buôn ma túy, người vốn chỉ bị kết án 15 năm tù trong phiên tòa trước đó.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn có những động thái khiến Đại sứ Canada tại Trung Quốc John McCallum phải thốt lên rằng, triển vọng tiến tới một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Ottawa và Bắc Kinh rất  “u ám”. Ông McCallum cho rằng, các doanh nghiệp Canada muốn theo đuổi mối quan hệ thương mại phát triển hơn với Trung Quốc, song có thể các cuộc đàm phán mang tính thăm dò về một FTA được khởi động từ tháng 9-2016 “đã chết” và khó có thể hồi sinh trong tương lai gần.

Tuy nhiên, tất cả những áp lực, “chiêu trò” của Bắc Kinh đều không khiến Canada nhân nhượng trong vụ bắt giữ “nữ tướng” Huawei. Bộ trưởng An ninh Công cộng Canada Ralph Goodale ngày 18-1 khẳng định, những đe dọa của Bắc Kinh sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của Ottawa, thậm chí còn cảnh báo Canada đang cân nhắc việc cấm sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng lưới viễn thông mới tại nước này.

Cuộc khủng hoảng quanh vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei đang tiếp tục leo thang cho thấy một cuộc đấu lớn hơn nhiều giữa Canada và Mỹ với Trung Quốc. Huawei bên cạnh việc đang “bành trướng” mạnh thị trường từ Trung Quốc ra thế giới, trong đó Huawei “xâm nhập” vào Canada từ năm 2008 và hiện đóng vai trò là nhà cung cấp thiết bị quan trọng đối với ngành viễn thông quốc gia Bắc Mỹ này, cũng đã làm dấy lên nhiều lo ngại về các hoạt động mờ ám khác như đánh cắp bí mật công nghệ, thương mại hay hoạt động gián điệp khác.

Một đòn tấn công vào Huawei không chỉ hướng tới mục tiêu phòng ngừa, loại bỏ bớt những mối đe dọa an ninh tiềm tàng từ tập đoàn này mà còn nhằm ngăn chặn sự “xâm chiếm” thị trường thế giới của Huawei cũng như nhiều tập đoàn công nghệ, viễn thông Trung Quốc vốn đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều “ông lớn” công nghệ của Mỹ và phương Tây đều cảm thấy mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc.

Nhìn vào chiều sâu cuộc khủng hoảng Huawei, thấy rõ cuộc “quyết đấu” còn rộng lớn và ác liệt hơn giữa Mỹ, Canada hay các nước phương Tây nói chung với Trung Quốc.