Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung: qua 4 vòng đàm phán vẫn "bế tắc"

ANTD.VN - Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, cả hai bên liên tiếp đưa ra những biện pháp trừng phạt và áp đặt nhiều mức thuế lên hàng hóa đối phương, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường quốc tế. Nhận thức được điều này, chính phủ 2 bên cũng từng nhiều lần dàn xếp gặp gỡ đàm phán tuy nhiên, Mỹ - Trung vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

Vòng đàm phán thương mại đầu tiên tại Bắc Kinh ngày 4-5-2018

Ngày 4/5, tại thủ đô Bắc Kinh, Mỹ và Trung Quốc đạt được nhất trí về một số điểm liên quan những tranh cãi thương mại.

Tại đây 2 bên đã đạt được 1 số thỏa hiệp đáng chú ý, đó là việc Trung Quốc đề xuất tăng nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ và giảm thuế quan đối với một số mặt hàng, trong đó có ôtô. Đây được xem là một sự thỏa hiệp đáng kể của Trung Quốc để đổi lại việc phía Mỹ phải từ bỏ các biện pháp hạn chế hay phân biệt đối xử đối với các đầu tư của Trung Quốc dưới danh nghĩa an ninh quốc tế.

Sau 2 ngày thảo luận tại Bắc Kinh giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, dù vẫn còn nhiều bất đồng trong một số lĩnh vực, song cả hai bên đều cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Phái đoàn cả 2 bên Trung Quốc và Mỹ đều đánh giá cuộc gặp gỡ này đã đem lại những dấu hiệu “tích cực, hiệu quả và mang tính xây dựng”.

Vòng đàm phán thương mại thứ 2 giữa Mỹ - Trung này 16-5-2018

Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung: qua 4 vòng đàm phán vẫn "bế tắc" ảnh 1

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn dẫn phái đoàn Trung Quốc sang Washington D.C để tham gia buổi đàm phán

Ngày 16/5, tại thủ đô Washington, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu vòng đàm phán thứ hai về thương mại nhằm tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng trong quan hệ thương mại với trọng tâm tái cân bằng quan hệ kinh tế 2 nước.

Tham dự cuộc gặp, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đánh giá cao những tiến triển tích cực và quan trọng trong quan hệ song phương dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump.

Theo ông Lưu Hạc, ông sẽ nỗ lực tìm kiếm sự dàn xếp thỏa đáng trong vấn đề thương mại song phương, qua đó đảm bảo sự phát triển tốt đẹp giữa Bắc Kinh và Washington trong lĩnh vực này. Ông cho rằng hai nước cần tăng cường thông tin chiến lược, mở rộng những lợi ích chung, cùng giải quyết thỏa đáng những bất đồng và thể hiện vai trò lớn trong vấn đề quốc tế và khu vực.

Phía Mỹ cũng đồng tình với quan điểm này và chia sẻ Mỹ sẵn sàng duy trì mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc và hai nước không nên gây cuộc chiến thương mại cho dù còn tồn tại nhiều bất đồng về kinh tế và thương mại.

Cuộc gặp kết thúc tương đối tốt đẹp,  Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định vòng đàm phán này giữa Trung Quốc và Mỹ có kết quả tốt đẹp, hai bên "tạm hoãn" chiến tranh thương mại. Trung Quốc cũng có lý do để tin rằng Mỹ tạm thời bỏ qua chuyện áp đặt thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau đó, Nhà Trắng thông báo tiếp tục thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh.

Phái đoàn thương mại Mỹ tới Bắc Kinh ngày 2-6-2018

Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung: qua 4 vòng đàm phán vẫn "bế tắc" ảnh 2

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gặp gỡ cố vấn kinh tế Trung Quốc Lưu Hạc hồi tháng 6 tại Bắc Kinh

Ngày 2-6, Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross đã tới Bắc Kinh tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trước đó, Mỹ và Trung Quốc nhiều lần đe dọa áp thuế lẫn nhau với một mức giá lên tới 150 tỷ USD. Sau một thời gian lắng dịu, chính phủ Mỹ tiếp  tục cảnh báo sẽ theo đuổi việc áp thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, cũng như hạn chế khả năng đầu tư và siết chặt hơn nữa hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.

Trong chuyến thăm 2 ngày này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đến với mục đích đảm bảo hàng nông sản và năng lượng của Mỹ được xuất nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại vốn tăng kỉ lục lên tới 375 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng yêu cầu Trung Quốc có bước đi nhằm giảm bớt 200 tỷ USD thâm hụt thương mại hàng năm, từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên, chuyến viếng thăm này không cải thiện được điều gì, ngược lại còn làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới.

Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thứ 4 tháng 8-2018

Đây là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa hai bên từ khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gặp gỡ cố vấn kinh tế Trung Quốc Lưu Hạc hồi tháng 6 tại Bắc Kinh. Cuộc đàm phán diễn ra trong 2 ngày 22 và 23-8 vừa qua.

Nhận lời mời từ chính phủ Mỹ, phái đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu đã tới Washington, Mỹ để tiến hành đàm phán từ hôm 22-8 với người đồng cấp phía Hoa Kỳ là Thứ trưởng Tài chính David Malpass.

Đi ngược lại mong đợi của nhiều người, cuộc đàm phán đã không đem lại bất kỳ kết quả tích cực nào đối với việc giải quyết tranh chấp thương mại giữa 2 nước.

Trang The South China Morning Post bình luận cuộc đàm phán thương mại đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa giới chức trách hai bên trong vòng 2 tháng căng thẳng (từ tháng 6 đến tháng 8) đã kết thúc bằng nước mắt. 

Nhiều nghi vấn, phán đoán tiêu cực về kết quả cuộc đàm phán đã xuất hiện từ trước khi bắt đầu. Hôm 20-8, Tổng thống Donald Trump nói với hãng tin Reuters rằng ông không mong đợi gì nhiều từ cuộc gặp mặt này và không có khung thời gian cụ thể khi đề cập đến vấn đề giải quyết cuộc chiến thương mại đang leo thang.

Trong khi đó, chiến tranh thương mại giữa hai nước tiếp tục trở nên căng thẳng hôm 23-8, sau khi Mỹ áp thuế 25% lên 16 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc - động thái ngay lập tức khiến Trung Quốc phẫn nộ đáp trả.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng thuế nhập khẩu mới nhất của Mỹ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Bắc Kinh không còn cách nào khác ngoài việc trả đũa đối với những lần áp thuế “vô lý” của Mỹ.

Khó có khả năng tiến hành thêm một cuộc đàm phán mới

Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung: qua 4 vòng đàm phán vẫn "bế tắc" ảnh 3

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn từ chối lời đề nghị đàm phán mới của Mỹ

Hôm 22-9 vừa qua, Bắc Kinh đã từ chối lời mời tham dự đàm phán mới của Mỹ, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 này.

Trung Quốc đã đưa ra quyết định này sau khi tổng thống Donald Trump tiếp tục ra lệnh đánh thuế bổ sung vào 200 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Để trả đũa, Bắc Kinh cũng đánh thuế vào 60 tỉ USD hàng hoá nhập khẩu Mỹ. Cả hai đều có hiệu lực từ ngày 24-9-2018.

Trung Quốc gọi thuế quan của Mỹ là “dao kề cổ” kể từ khi các khoản đánh thuế đầu tiên được đưa ra hồi tháng 7-2018.

Mặc không trực tiếp yêu cầu rằng Mỹ dỡ bỏ tất cả thuế quan trước khi có bất kỳ vòng đàm phán thương mại mới nào, song điều kiện này dường như được Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc ngụ ý.