"Chiến tranh thế giới thứ 3" - từ khóa tăng đột biến trên Google

ANTD.VN - Các động thái quân sự diễn ra liên tục trong thời gian gần đây, hết trên chiến trường Syria lại đến Bán đảo Triều Tiên, đã khiến mối lo về nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới thứ 3 lan rộng khắp thế giới. 

Cụm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đang áp sát Bán đảo Triều Tiên

Trang mạng tìm kiếm lớn nhất thế giới Google cho biết lượng người dùng lên Google để tìm kiếm từ khóa “chiến tranh thế giới thứ 3” đang tăng cao hơn bao giờ hết. Một vài từ khóa tìm kiếm khác trên Google như “Syria chiến tranh thế giới thứ 3”, “sắp có chiến tranh” và “chiến tranh Nga - Mỹ” cũng xuất hiện nhiều. 

Theo báo cáo của Google, người dùng bắt đầu tăng cường tìm kiếm các từ khóa liên quan đến chiến tranh ở thời điểm vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump trúng cử, sau đó là một vài động thái liên quan đến ngoại giao của ông này. Nhưng việc tìm kiếm đó đang tăng đột biến trong những ngày gần đây.

Không khó khăn gì để giải thích hiện tượng này nếu nhìn vào những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên hoặc trên chiến trường Syria. Đêm 15-4, Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng tên lửa từ căn cứ quân sự gần thành phố cảng Sinpo tại bờ biển phía Đông nước này. Vụ phóng diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên trình diễn hàng loạt loại tên lửa mới trong cuộc diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà sáng lập đất nước - cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, trong đó có loại tên lửa KN-08 và KN-14 có thể vươn tới mục tiêu nằm trên lãnh thổ Mỹ. 

Đây được coi là hành động nhằm đáp trả quyết định của Mỹ điều đội tàu tấn công, do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu, đang trên đường tới Australia chuyển hướng về phía Bán đảo Triều Tiên. Trong khi USS Carl Vinson  chạy bằng hai lò phản ứng hạt nhân chở theo gần 100 máy bay, 5.000 thủy thủ, thì các tàu khu trục hộ tống là USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy được trang bị công nghệ phòng thủ tên lửa radar Aegis có thể dò tìm và phá hủy các tên lửa đạn đạo tấn công từ biển. 

Cũng liên quan đến các hành động quân sự của Mỹ, ngày 6-4, các tàu khu trục của Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria trong một động thái theo Mỹ giải thích là nhằm đáp trả cuộc tấn công hóa học mà Mỹ cáo buộc do quân đội Syria tiến hành nhằm vào dân thường nước này.

Sau đó một tuần, ngày 13-4, Mỹ thả bom GBU-43, được mệnh danh là “mẹ của các loại bom” nặng 9,79 tấn, với sức công phá tương đương 11 tấn thuốc nổ TNT xuống Afghanistan với mục đích phá các mạng lưới hầm trú ẩn của các tay súng thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Những hành động quân sự liên tiếp trên cho thấy thông điệp sức mạnh mà ông chủ Nhà Trắng muốn phát đi không chỉ với các đối thủ của mình mà với cả các đối tác cạnh tranh như Nga, Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, trước hết ông D. Trump muốn thể hiện uy quyền với Trung Quốc vào lúc quan hệ Mỹ-Trung gặp khó khăn và vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Tiếp đó, ông muốn chứng tỏ thái độ giữ khoảng cách với Nga để khỏi mang tiếng là “con rối của Nga”. Với các đối thủ, ông khẳng định có thể đơn phương hành động về ngoại giao cũng như quân sự.

Không những thế, theo ông T. Ahmad, Đại diện đảng Xã hội Dân tộc Syria: “Mục tiêu chính của Mỹ là khiến các cường quốc thế giới có thể đe dọa Washington nằm trong tầm kiểm soát”.

Tất nhiên, hành động trên của Mỹ tác động ngay lập tức đến các cường quốc liên quan như Nga, Trung Quốc. Việc Nga lên tiếng chỉ trích Mỹ bắn tên lửa vào Syria rồi phong tỏa việc thông qua các nghị quyết chống Syria tại Hội đồng Bảo an LHQ theo đề nghị của Mỹ cho thấy quan hệ Mỹ-Nga đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Liên quan đến Trung Quốc, khi tàu sân bay Mỹ áp sát Triều Tiên, Trung Quốc đã nhanh chóng điều thêm 25.000 binh sĩ tới biên giới với Triều Tiên, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động. Bầu không khí thế giới đang nóng lên từng ngày.