Chiến thuật phong tỏa Triều Tiên của Mỹ

ANTD.VN - Việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhất trí thông qua nghị quyết 2371 áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên sau hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa trong tháng 7 vừa qua có thể coi là thành công của ngoại giao Mỹ sau khá nhiều nỗ lực. 

Cầu Hữu nghị nối Trung Quốc với Triều Tiên

Nghị quyết trừng phạt do Mỹ soạn thảo cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Nghị quyết này cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài hiện nay, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với nước này. 

Nghị quyết cũng bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, trong đó có một ngân hàng chủ chốt, buộc họ phải đóng băng tài sản toàn cầu và bị cấm đi lại. Theo ước tính, những biện pháp trong Nghị quyết 2371 có thể làm sụt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Bình Nhưỡng, vốn đang ở mức 3 tỷ USD hàng năm.

Những biện pháp trên được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc và là lệnh trừng phạt đầu tiên ở quy mô như vậy đối với Triều Tiên kể từ khi ông   Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Việc cả Trung Quốc và Nga cùng “bật đèn xanh” cho việc thông qua Nghị quyết 2371 theo đề nghị của Mỹ được đánh giá là kết quả của những nỗ lực ngoại giao mà Washington tiến hành với Matxcơva và Bắc Kinh trong thời gian gần đây.  

Lâu nay, Bắc Kinh luôn bị chỉ trích chưa làm hết trách nhiệm kìm hãm Bình Nhưỡng theo những biện pháp trừng phạt do LHQ quy định. Báo chí mô tả cảnh xe tải nối đuôi nhau chạy qua cầu Hữu Nghị bắc ngang sông Áp Lục giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Trung Quốc là trụ cột của kinh tế CHDCND Triều Tiên, chiếm tới 90% thương mại của Triều Tiên trong năm 2016. Trong quý đầu năm nay, trao đổi song phương Trung-Triều đã tăng gần 40% so với cùng thời kỳ năm ngoái. 

Trao đổi kinh tế của Triều Tiên với Nga cũng đang phát triển. Hai bên đã ký thỏa thuận tăng trao đổi thương mại lên 1 tỷ USD đến năm 2020, và xây dựng đường xe lửa nối liền vùng biên giới Nga với thành phố Rajin của Triều Tiên. Tháng 5 vừa qua, một tuyến phà đã được khai trương, nối liền Vladivostok của Nga với Rajin của Triều Tiên. Theo giới chuyên gia, một cách kín đáo hay công khai, Trung Quốc và Nga đã được Triều Tiên sử dụng như những tuyến vận chuyển. 

Trong bối cảnh đó, Washington đã khá khôn khéo trong chiến thuật với Bắc Kinh và Matxcơva. Một mặt, Mỹ “nhờ” đồng minh then chốt của Triều Tiên là Trung Quốc gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Mặt khác, Washington cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế thương mại và xuất khẩu của Triều Tiên với Trung Quốc.

Hồi tháng 6, Mỹ đã trừng phạt 2 cá nhân và 1 thực thể Trung Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ gia tăng trừng phạt nếu ai đó tìm cách trốn tránh các biện pháp trừng phạt của LHQ và làm ăn với các thực thể của Triều Tiên. Cuối tháng 7, Mỹ cảnh báo có thể trừng phạt tiếp các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên như một phần của các lệnh trừng phạt tăng cường.

Xem ra chiến thuật vừa cứng, vừa mềm như vậy với Trung Quốc và cả với Nga đã dẫn đến kết quả khi toàn bộ 15 nước ủy viên HĐBA LHQ, trong đó có Trung Quốc và Nga, nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Dù vẫn còn những điểm tranh cãi nhưng nội dung nghị quyết cho thấy cả Bắc Kinh và Matxcơva đều sẵn sàng trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng. Ông Donald Trump đã tỏ ra hài lòng khi bày tỏ đánh giá cao việc Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Mỹ soạn thảo.