Chiến thuật "ngày tàn chết chóc" của IS

ANTD.VN - Tham vọng thành lập “Vương quốc Hồi giáo” tại Trung Đông của IS đang sụp đổ, song sự thay đổi chiến thuật trong chuỗi “ngày tàn” của tổ chức khủng bố khét tiếng này đã gây thương vong nặng nề trên thế giới.

Chiến thuật "ngày tàn chết chóc" của IS ảnh 1Thế giới cần đoàn kết - sẻ chia và thấu hiểu nhằm loại trừ tận gốc rễ chủ nghĩa cực đoan và mầm mống khủng bố

Báo cáo “Cơ sở Dữ liệu khủng bố toàn cầu” công bố ngày 21-8 của Đại học Maryland (Mỹ) cho biết, mặc dù mất nhiều lãnh thổ tại Iraq và Syria cũng như tổn thất nặng nề về lực lượng, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn là tổ chức khủng bố gây nhiều chết chóc nhất thế giới trong năm 2016. Theo đó, các phần tử IS đã thực hiện hơn 1.400 vụ tấn công khủng bố trong năm 2016, khiến hơn 7.000 người thiệt mạng, tăng khoảng 20% so với năm 2015.

Báo cáo của Đại học Maryland biết thêm, ngoài chiến trường chính Iraq và Syria, IS cùng các nhóm Hồi giáo cực đoan khác có liên hệ với tổ chức khủng bố này cũng đã thực hiện hơn 950 vụ tấn công trên toàn cầu trong năm 2016, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Trước khi Đại học Maryland công bố báo cáo chỉ 1 ngày, số liệu chính thức đưa ra từ châu Âu cũng cho biết, 330 người đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra tại châu Âu, trong đó chủ yếu là do các phần tử IS, từ năm 2015 tới nay.

Đáng lo ngại là số vụ tấn công cùng số nạn nhân của IS gia tăng khắp thế giới trong bối cảnh tổ chức khủng bố này đang hứng chịu những thất bại liên tiếp tại Syria và Iraq, nơi chúng từng chiếm giữ các vùng đất rộng lớn hòng thực hiện tham vọng xây dựng một “Vương quốc Hồi giáo”. Từ chỗ chiếm giữ toàn bộ khu vực phía Bắc của Iraq và Syria với tổng diện tích 104.000km2 gồm nhiều thành phố lớn và hơn 8 triệu dân, IS nay đã mất 70% vùng lãnh thổ từng kiểm soát tại Iraq, trong khi tại Syria là hơn 50% và đang đứng trước “ngày tàn”.

Tuy nhiên, chính vào lúc tham vọng về một “Vương quốc Hồi giáo” dần sụp đổ, IS đã thay đổi chiến lược, thay vì đương đầu trực diện với liên minh quân sự quốc tế hùng mạnh, tổ chức khủng bố này thực thi chiến thuật phát triển các mạng lưới chân rết, đặc biệt tại châu Âu, Nam Á và Đông Nam Á. Những chân rết này là các phần tử khủng bố trở về từ Trung Đông hay các nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương trung thành với IS dù nhỏ lẻ song với phương thức tấn công tàn khốc đã gây ra những vụ tấn công đẫm máu và chấn động khắp thế giới.

Điều này có thể thấy qua các vụ tấn công kinh hoàng đủ kiểu, từ bằng bom tự chế cho tới đâm xe hay bằng dao ở một loạt quốc gia thời gian qua như Pháp, Anh, Đức, Bỉ… và mới nhất là tại Barcelona (Tây Ban Nha), Surgut (Nga). 

Sự thay đổi chiến lược nhằm gieo rắc tư tưởng thánh chiến cùng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhằm “ươm mầm” khủng bố để thực hiện các vụ tấn công chết chóc trong khi đang gánh chịu thất bại tại Trung Đông của IS buộc thế giới phải cảnh giác, đồng thời có phương thức đối phó thích hợp và hiệu quả. 

Các quốc gia trên thế giới đang triển khai hàng loạt biện pháp nhằm phòng ngừa tấn công khủng bố như nhiều quốc gia ở châu Âu và Australia đã dựng lên các rào chắn bê tông để phòng khủng bố bằng hình thức đâm xe… Chuyên gia chống khủng bố cho rằng, chủ nghĩa khủng bố “giá rẻ” là một xu hướng bởi trong bối cảnh IS bị suy yếu tại Iraq, Syria và Lybia, chúng có thể thực hiện một vụ tấn công đẫm máu bằng việc thuê một chiếc xe tải. 

Vì thế, theo các chuyên gia, đã đến lúc các nước cần tập trung giải quyết vấn đề chính trị và từ bỏ suy nghĩ rằng chỉ cần triển khai thêm cảnh sát và lực lượng quân đội sẽ có thể giải quyết được các vấn đề mà cần loại bỏ những mầm mống, tư tưởng cực đoan. Đồng thời, các quốc gia trên thế giới cần tăng cường hợp tác toàn diện hơn nữa với sự thấu hiểu lẫn nhau để thành lập một mặt trận chung chống khủng bố quốc tế.