"Chiến binh" Pháp từng cứu sống hàng trăm trẻ em Do Thái thời Thế chiến II

ANTD.VN - Ông Georges Uriel Joseph Loinger được tờ Le Monde mô tả là “người đứng đầu phong trào phản chiến của người Do Thái thời Pháp bị chiếm đóng trong Thế chiến II”, đã qua đời hôm 28-12-2018 tại nhà riêng ở Paris, thọ 108 tuổi. Ông là người đã đưa hàng trăm trẻ em Do Thái sang biên giới Thụy Sỹ trước nguy cơ thảm sát cận kề.

Năm 2005, ông Georges Loinger được trao Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp cho những công lao của ông thời chiến tranh

Trong Thế chiến II, khi hàng trăm trẻ em Do Thái ẩn náu ở vùng nông thôn Pháp, nơi đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng, ông Georges Loinger đã “chiêu đãi” chúng bằng những trận bóng đá… nhưng vì mục đích lớn lao hơn.

Những năm tháng cam go, nguy hiểm

Georges Uriel Joseph Loinger sinh tại Strasbourg vào ngày 29-8-1910 trong một gia đình Do Thái đến từ Ba Lan. Quê hương ông, thuộc vùng Alsace ở biên giới Pháp-Đức, nằm dưới sự kiểm soát của Pháp sau Thế chiến I nhưng vẫn duy trì một bản sắc riêng biệt của Đức. “Trên đài phát thanh, chúng tôi nghe Hitler tuyên bố: Người Do Thái, ta sẽ tiêu diệt các người”. 

Năm 1940, ông Loinger đi lính. Khi quân Đức tràn vào, ông bị bắt đưa sang Stalag VII-A, một trại tù binh gần Munich. Nhiều tháng sau, ông nhận được một lá thư từ vợ mình, Flore Loinger. “Cô ấy phụ trách 123 trẻ em Do Thái tại một lâu đài thuộc sở hữu của gia tộc Rothschild và cô ấy nói rằng đang gặp khó khăn lớn trong việc chăm sóc chúng. Vì vậy, tôi quyết định bỏ trốn  cùng với anh em họ, người đã ở cùng tôi tại trại tù binh và chúng tôi đã quay trở lại Pháp để giúp cô ấy”, ông Loinger nói với Jerusalem Post. 

Thoát khỏi trại tù binh của Đức, ông Loinger gia nhập Oeuvre de Secours aux Enfants (gọi tắt là OSE) - một tổ chức cứu trợ Do Thái và trở thành một “chiến binh” trong việc che chở, bảo vệ trẻ em người Do Thái. Theo lời nhân chứng, những nỗ lực của ông Georges Loinger được đẩy mạnh vào đầu năm 1943, khi chính quyền Đức Quốc xã đàn áp người Do Thái sống ở Pháp. Theo thống kê, thời đó, nước Pháp có khoảng 77.000 người Do Thái và nhiều người đã bị giết hại, chủ yếu tại trại tử thần Auschwitz ở Ba Lan.

Là người Do Thái nhưng mái tóc vàng và đôi mắt xanh đã giúp ông Loinger qua mắt được sự chú ý khi đi khắp nước Pháp, bí mật đến thăm các lâu đài cổ cũng chính là trung tâm lánh nạn tạm thời của trẻ em Do Thái. Tuy nhiên, địa bàn hoạt động chính là thị trấn Annemasse, ngay biên giới với Thụy Sĩ.

Kế hoạch táo tợn và may mắn

Khi trẻ em sử dụng giấy tờ giả đi tàu đến thị trấn Annemasse, ông Loinger thường dẫn chúng đến một cánh đồng gần biên giới, nơi ông tổ chức một số trò chơi. Thực tế, ông cố tình ném quả bóng càng xa càng tốt để một số trẻ đi lấy bóng, vượt qua hàng rào dây thép gai sang biên giới. “Nhóm trẻ của chúng tôi khi trở về thường ít hơn nhưng không mấy ai để ý”, ông Loinger nói.

Có lẽ kế hoạch táo bạo nhất của ông là lợi dụng một nghĩa trang có tường sát biên giới. Ông Loinger đã cho bọn trẻ ăn mặc như những người chịu tang và sử dụng một chiếc thang để chúng trèo qua tường vào Thụy Sĩ, nơi chúng sẽ được các thành viên OSE của Thụy Sĩ đón.

Ông Loinger đôi khi cảm thấy ngạc nhiên trước vận may của mình khi sống sót sau chiến dịch thảm sát người Do Thái cũng như vận may của rất nhiều trẻ em mà ông đã giúp đỡ. Ông nhớ lại, có một lần, ông đang đưa 50 trẻ em đến Annemasse thì gặp một nhóm lính Đức trên tàu. Ông liền bịa ra câu chuyện bọn trẻ là dân tị nạn từ thành phố Marseille bị ném bom đang đưa đến một cơ sở y tế điều trị. Khi tàu đến Annemasse, một trong những sĩ quan Đức đề nghị hộ tống cả nhóm. “Ông xem, những đứa trẻ này rất mệt mỏi. Hãy để chúng tôi đẩy nhanh thủ tục xuất cảnh. Tôi sẽ nói với cảnh sát các ông là bạn của chúng tôi”, ông Loinger. 

Cũng theo lời kể của ông Loinger, sau đó đã diễn ra một cảnh tượng chưa từng thấy. “Cả nhóm lính Đức hát trên đường đi qua thị trấn Annemasse, với 50 trẻ em Do Thái và tôi đi phía sau. Khi chúng tôi đến quầy tiếp tân, đoàn xe dừng lại. Người Đức chào tôi và lũ trẻ, chúng tôi đi vào qua cửa dành cho những người được nước Đức bảo vệ”.

Theo ước tính, OSE đã đưa khoảng 2.000 trẻ em vào Thụy Sĩ. Hai tác giả Robert Deb vanrah và Robert Jan van Pelt trong cuốn “Chuyến bay từ Reich” về lịch sử của những người tị nạn Do Thái trong thời Đức Quốc xã có đoạn viết: “Chỉ riêng Georges Loinger đã đảm nhận một nửa số đó”.