Chia tách tư cách thành viên tại WTO, con đường Brexit của Anh vẫn lắm chông gai

ANTD.VN - Sau nhiều tháng chuẩn bị về mặt ngoại giao, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức nộp thủ tục “ly hôn” tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chia tách tư cách thành viên tại WTO, con đường Brexit của Anh vẫn lắm chông gai ảnh 1Dù đã nộp “đơn ly hôn” lên WTO nhưng việc đạt được một thỏa thuận toàn diện giữa Anh và EU về quan hệ thương mại trong tương lai trước tháng 3-2019 vẫn là một “thách thức”

Theo đó, WTO đã lưu hành 2 dự thảo thỏa thuận mật giữa 164 thành viên của tổ chức này, trong đó chia tách các quyền và nghĩa vụ của Anh về giao thương hàng hóa khỏi EU.  Thỏa thuận tách rời các quyền và nghĩa vụ của Anh về giao thương dịch vụ cũng sẽ sớm được lưu hành.  

Thông cáo của WTO cho hay, các thành viên của tổ chức sẽ có 3 tháng để xem xét bản tài liệu này và văn kiện sẽ được thông qua nếu không có phản đối từ các nước thành viên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 23 năm của tổ chức có một sự kiện như vậy. Hiện nay, EU vẫn là đại diện cho Anh tại WTO và quyền lợi thành viên của Anh không được xem xét riêng biệt, kể cả khi Anh là thành viên WTO. 

Khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU cách đây 2 năm, họ không có cơ hội để nói rõ là họ muốn rời khỏi EU theo cách như thế nào. Nhưng Thủ tướng Theresa May khi đó đã nhanh chóng tuyên bố  “những ranh giới đỏ” trong đàm phán của London với Brussels, tức “Brexit cứng” với mong muốn đưa nước Anh tách khỏi EU được triệt để nhất. Brexit  “cứng” là nước Anh sẽ hoàn toàn độc lập trước các quan tòa châu Âu, chính sách thương mại và các quy định nhập cư của EU - cái giá đắt không thể tránh khỏi đối với vấn đề kinh tế và an ninh của Anh khi ở dưới “mái nhà chung” EU mà từ lâu Anh đã nhìn nhận. 

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh có rất nhiều tuyên bố tự mâu thuẫn nhau của Chính phủ Anh trong các cuộc đàm phán Brexit. Mâu thuẫn thứ nhất, Anh tuyên bố sau khi rời khỏi EU sẽ giành lại quyền kiểm soát tư pháp ở biên giới nước Anh, nhưng đồng thời cho biết sẽ không kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland, điều này chứng tỏ giữa Anh và EU không có biên giới. 

Mâu thuẫn thứ hai, trong Sách Trắng Brexit, Anh nhấn mạnh kiểm soát luật pháp riêng của họ, tách rời sự quản lý kiểm soát của Tòa án công lý châu Âu, nhưng bà May cũng cho biết, trong tình hình thích hợp, tòa án Anh sẽ tiếp tục xem xét các phán quyết của Tòa án công lý châu Âu, “Anh phải tôn trọng quyền hạn của Tòa án công lý châu Âu về phương diện này”. 

Mâu thuẫn thứ ba, Thủ tướng May tuyên bố nước Anh sẽ rút khỏi thị trường chung châu Âu, nhưng lại muốn cùng với EU đạt được thỏa thuận “sâu rộng hơn so với bất kỳ thỏa thuận tự do thương mại nào trên toàn cầu”, nhấn mạnh việc Anh và EU cuối cùng có đạt thỏa thuận thương mại tự do với thuế quan bằng không hay không có ý nghĩa quan trọng đối với Anh. Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anna Soubry thậm chí còn đề xuất sửa đổi Luật Thương mại để cho phép Anh có thể cùng EU thành lập liên minh hải quan sau Brexit. 

Chưa đầy 3 tháng nữa là hết thời gian đàm phán, giờ đây càng thấy rõ Brexit sẽ diễn ra chiều hướng “mềm hơn”. Thái độ lạc quan lúc đầu đối với sự nhất trí về các chi tiết của cuộc chia ly lịch sử này, cùng thỏa thuận phức tạp về một mối quan hệ thương mại tương lai trong vòng 2 năm tới, đã nhanh chóng mờ nhạt. Hai bên nhất trí về một giai đoạn chuyển tiếp và coi đó là một giải pháp, tạo niềm tin lớn hơn nơi công chúng và giới doanh nghiệp, đồng thời cũng để London và Brussels có thêm thời gian hoàn tất các kế hoạch “hậu ly hôn”. Tuy nhiên, các chuyên gia Anh nhận định “chúng ta sẵn sàng cho sự chuyển giao, nhưng chưa đủ sẵn sàng cho giai đoạn hậu chuyển giao”. 

Tương lai sau năm 2020 vẫn còn đầy mơ hồ, giới doanh nghiệp bắt đầu chuẩn bị cho khả năng xảy ra những trì hoãn trong việc ký kết một thỏa thuận thương mại hoặc một sự thất bại trong các cuộc đối thoại giữa Brussels và London. Một nghiên cứu do công ty luật Pinsent 

Masons tiến hành cho thấy, 51% giới doanh nghiệp của Vương quốc Anh đã chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp, bao gồm khả năng chuyển nhân viên sang lục địa châu Âu. Đa phần trong số còn lại được cho là sẽ làm điều tương tự vào cuối năm nay. Bộ Tài chính Anh cũng đã dự trù hàng  tỷ bảng để chuẩn bị cho Brexit.