"Chìa khóa" mở "cánh cửa hòa bình" ở Syria

ANTD.VN - Rõ ràng một giải pháp chính trị có được thông qua đàm phán hòa bình, chứ không phải là không kích, dùng vũ lực mới là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa đi tới hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria.

"Chìa khóa" mở "cánh cửa hòa bình" ở Syria ảnh 1Sức mạnh quân sự như cuộc tấn công ngày 16-4 chỉ mang lại mất mát và tổn thất nặng nề cho Syria 

Dư luận không khỏi bất ngờ trước việc Bộ trưởng Ngoại giao 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong khi nhóm họp ngày 16-4 tại Luxembourg, đã lên tiếng kêu gọi tái khởi động tiến trình chính trị để chấm dứt xung đột tại Syria. Lời kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh ở Syria được EU nhất trí đưa ra chỉ 2 ngày sau cuộc tấn công quân sự của liên quân Mỹ - Anh - Pháp vào quốc gia Trung Đông này.

Kêu gọi tái khởi động tiến trình chính trị của EU hoàn toàn không đồng nghĩa với việc liên minh này phản đối cuộc tấn công Syria của liên quân do Mỹ đứng đầu, trái lại điều này còn được đưa ra sau khi các Ngoại trưởng EU biểu thị “sự đồng cảm” đối với chiến dịch không kích của Mỹ - Anh - Pháp vào Syria. Những người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của EU cũng lên án điều mà họ cho là “việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria” và cho rằng, cuộc không kích của liên quân là biện pháp đặc thù nhằm ngăn chặn chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. 

Có mâu thuẫn không khi vừa lên án chính quyền Syria và tán đồng hành động sử dụng vũ lực của liên quân do Mỹ đứng đầu, các Ngoại trưởng EU lại nói ngay tới sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp thương lượng hòa bình? Động thái được xem là khá phức tạp tại cuộc họp của Ngoại trưởng 28 nước thành viên EU cho thấy, bên cạnh việc dàn xếp bất đồng trong nội bộ, liên minh này cũng buộc phải thừa nhận rằng, giải pháp chính trị chứ không phải sử dụng vũ lực mới là con đường đúng đắn để giải quyết cuộc xung đột đẫm máu tại Syria.

Bởi dù lên án cuộc tấn công vũ khí hóa học thị trấn Đông Douma (Syria) khiến khoảng 70 người thiệt mạng, song không phải thành viên EU nào cũng tán đồng tấn công quân sự vào Syria. Bên cạnh những quốc gia “bỏ phiếu trắng”  như Đức khi từ chối tham gia cuộc tấn công quân sự, có những nước vừa là thành viên EU, vừa là thành viên NATO như Italy đã công khai phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột tại Syria.

Cuộc chiến tại Syria tới nay đã bước sang năm thứ 8 với những mất mát và tổn thất sinh mạng cũng như vật chất vô cùng to lớn với đất nước và người dân nước này. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 7-2017, cuộc chiến đã khiến nền kinh tế Syria tổn thất tới 226 tỷ USD, song điều đó chưa thể so sánh với con số ước tính có tới 460.000 người thiệt mạng, 1,1 triệu người đã bị thương và 11,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, chiếm gần một nửa dân số nước này. 

Bạo lực và bom đạn trong suốt thời gian chiến tranh, xung đột hơn 7 năm qua chứng minh rằng chúng chỉ mang lại mất mát và tổn thất vô cùng nặng nề cho Syria. Tiếp tục sử dụng sức mạnh vũ lực chắc chắn sẽ càng đẩy đất nước Syria chìm sâu hơn xuống đáy xung đột.

Hơn một năm trước, ngày 7-4-2017, Mỹ cũng từng tấn công Syria với cáo cuộc chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học. Ngay sau cuộc tấn công của Mỹ, Ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini đã khẳng định rằng, không thể giải quyết cuộc xung đột Syria bằng biện pháp quân sự và đối thoại là cần thiết để có thể bắt đầu tiến trình hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Kêu gọi tái khởi động tiến trình chính trị để chấm dứt xung đột tại Syria, song liệu EU có thực sự quyết tâm cùng các bên liên quan dứt khoát lựa chọn chiếc “chìa khóa” thương lượng, thúc đẩy cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên xung đột ở Syria do Liên Hiệp quốc bảo trợ tại Geneva? Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ.