Châu Âu phát hoảng vì người nhập cư

ANTĐ - Tình trạng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu trong những tháng qua đã trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với “Lục địa già”, thậm chí còn cao hơn cả nỗi lo về kinh tế và thất nghiệp. 
Châu Âu phát hoảng vì người nhập cư ảnh 1

Một chiếc thuyền chở người tị nạn từ châu Phi sang châu Âu

Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất về những vấn đề đang thách thức châu Âu do Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành và công bố ngày 1-8. Theo kết quả cuộc thăm dò, 38% người dân tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) coi nạn nhập cư là mối quan ngại lớn nhất. Trong khi đó, tỷ lệ những người lo lắng về kinh tế và thất nghiệp lần lượt là 27% và 24%. Người dân các nước Malta, Đức hay Italia tỏ ra đặc biệt e ngại người nhập cư khi lần lượt có tới 65%, 55% và 43% số ý kiến khẳng định đây quan tâm số một của họ ở thời điểm hiện nay.

Theo Cơ quan quản lý biên giới ngoài châu Âu (Frontex), kể từ đầu năm đến nay, hơn 100.000 người nhập cư trái phép đã tới châu Âu qua biển Địa Trung Hải hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Eo biển Gibraltar ở điểm hẹp nhất, chỉ rộng 14 km, chia cắt châu Âu với châu Phi. Một chiếc thuyền gỗ đơn sơ từ Morocco, nếu không bị ngăn cản, sẽ đến đất Tây Ban Nha chỉ sau một giờ trên biển. Ở những nơi xa nhất, đất châu Âu cũng chỉ cách bờ biển Bắc Phi vài trăm kilômét.  

Trước đây, khi chưa xảy ra những biến động chính trị lớn ở các nước Bắc Phi, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Câu chuyện chỉ trở nên phức tạp trong vài năm qua, khi nhiều quốc gia Bắc Phi rơi vào bất ổn, khiến dòng người đi tìm nơi thoát nạn và mưu sinh ở châu Âu tăng vọt. Đối với châu Âu, đây có thể coi là việc phải “gặt bão” cho hành động “gieo gió” của mình, bởi dòng người di cư vào châu Âu xuất phát chủ yếu từ những nước châu Phi mà phương Tây tìm cách lật đổ chính quyền để “gieo mầm dân chủ” như Lybia, Ai Cập... 

Sau thảm kịch gần 800 người thiệt mạng trong làn sóng nhập cư ồ ạt qua biển Địa Trung Hải hồi tháng 4 vừa qua, châu Âu buộc phải thay đổi sự thờ ơ bao lâu nay trong chính sách nhập cư. Nhưng giải quyết thế nào thì lại chính là điểm gây chia rẽ châu Âu. Theo quy định từ Brussels, khi một người nhập cư bất hợp pháp đặt chân đến châu Âu, nước tiếp nhận đầu tiên phải thiết lập bộ nhận dạng để làm căn cước quản lý cá nhân đó và người nhập cư trái phép buộc phải xin tị nạn tại ngay đất nước đầu tiên tiếp nhận.

Nhưng điều này lại vượt quá khả năng gánh vác của những nước cửa ngõ phía Nam châu Âu, nhất là Italia, nơi nhận đến 3/4 lượng người nhập cư trái phép từ Bắc Phi. Vì thế, cảnh sát Italia thường thả lỏng kiểm soát và để dòng người này tiếp tục di chuyển lên phía Bắc sang nước khác, khiến các nước láng giềng của Italia bất bình. Tuy nhiên, Thủ tướng Italia tuyên bố thẳng “Italia không thể gánh hết trách nhiệm cho toàn bộ châu Âu”.

Sau nhiều cuộc họp căng thẳng, Ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất kế hoạch tiếp nhận 40.000 người nhập cư, chủ yếu là công dân Syria, Eritrea, Iraq và Somalia… đã tới Hy Lạp hoặc Italia. Mặc dù nhất trí với chỉ tiêu này nhưng các nước thành viên EU vẫn bất đồng gay gắt về cách thức thực hiện, trước tiên là phản đối hạn ngạch bắt buộc và sau đó tranh cãi về kế hoạch tái phân bổ những người nhập cư này.

Vấn đề ở chỗ, chưa có người tị nạn thì châu Âu cũng đã đau đầu với tình trạng kinh tế còn trì trệ trong khi nạn thất nghiệp vẫn ở mức cao. Chẳng nước nào muốn gánh thêm phần trách nhiệm với người tị nạn. Trong khi đó LHQ ước tính trong năm 2015, nếu không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn, sẽ có khoảng nửa triệu người tìm cách vượt Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Quả là bài toán khó.