Châu Âu "nhức đầu" với bế tắc chính trường Italy

ANTD.VN - Thế bế tắc trên chính trường Italy không chỉ đẩy quốc gia hình chiếc ủng này tới bờ vực cuộc khủng hoảng chính trị mà còn khiến cho EU “nhức đầu” với nỗi lo ngại gia tăng khuynh hướng ly khai khỏi liên minh.

Châu Âu "nhức đầu" với bế tắc chính trường Italy ảnh 1Việc Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte từ chức sau vài ngày cầm quyền đã đẩy Italy chìm sâu thêm vào sự bế tắc chính trị đồng thời khiến cả châu Âu lo ngại

Chính trường Italy lại một lần nữa rơi vào thế bế tắc sau khi Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte đã từ chức ngày 28-5 do không thể thành lập chính phủ. Ông Conte từ chức sau khi những nỗ lực thành lập chính phủ mới của ông trong những ngày qua thất bại do Tổng thống Sergio Mattarella không chấp thuận đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona, nhân vật được cho là có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính.

Việc ông Conte buộc phải từ chức chỉ sau có 5 ngày được chính Tổng thống Mattarella giao nhiệm vụ đứng ra thành lập chính phủ mới không làm mấy ai ngạc nhiên nếu nhìn vào thế bế tắc chính trường Italy suốt hơn 2 tháng qua. Ngay từ khi có kết quả cuộc bầu cử ngày 4-3 vừa qua, ai cũng đã thấy rõ sự bấp bênh của chính trường Italy khi không có chính đảng nào giành đa số tuyệt đối, đưa Quốc hội nước này vào thế Quốc hội “treo”. 

Trong hơn 2 tháng qua, các chính đảng có ghế trong Quốc hội mới của Italy đã tiến hành rất nhiều cuộc thương lượng để thành lập tân Chính phủ, song đều thất bại do lập trường khác biệt nhau. Lối thoát khủng hoảng chính trường Italy được mở ra khi đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN) và đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) đạt được thỏa thuận vào ngày 18-5 về việc thành lập chính phủ liên minh.

Dựa trên thỏa thuận này, Tổng thống Mattarella đã giao cho ông Giuseppe Conte đứng ra thành lập chính phủ kỹ trị liên minh giữa LN và M5S. Nhưng hy vọng về một tân chính phủ nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trường sớm tan biến khi Tổng thống Mattarella không chấp nhận ông Savona - người từng mạnh mẽ phản đối việc ký kết Hiệp ước Maastricht (còn gọi là Hiệp ước thành lập EU), đồng thời coi đồng euro là một “cái lồng của nước Đức” - làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính trong chính phủ mới.

Việc chính trường Italy lại rơi vào thế bế tắc không chỉ tiềm ẩn bất ổn chính trị với quốc gia này mà còn dẫn tới những ý kiến trái chiều ở châu Âu.

Những người theo quan điểm cực hữu và hoài nghi châu Âu như cựu lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farage hay lãnh đạo phe cực tả Pháp Marine Le Pen… đã lên tiếng cũng chỉ trích quyết định của Tổng thống Mattarella và cho rằng những quan điểm thân EU và thị trường tài chính chung lại một lần nữa lấn át.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Người phát ngôn của Thủ tướng Đức… lại ủng hộ Tổng thống Mattarella, cho rằng ông Mattarella thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp quốc gia với sự “can đảm và tinh thần trách nhiệm”. 

Điều quan ngại đối với EU không chỉ ở sự lan rộng, trỗi dậy thêm của quan điểm dân túy, chống nhập cư và hoài nghi châu Âu với đòi hỏi đàm phán lại các hiệp định của EU hay “ngay lập tức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga”.

Sự lo lắng không kém, theo giới phân tích, đó là Italy có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mới đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do nước này, trong trường hợp đặt dưới sự lãnh đạo của một liên minh cầm quyền hoàn toàn là dân túy và cực hữu, có khả năng không tuân thủ các cam kết về nợ công và thâm hụt ngân sách của EU.

Trong khi đó, Italy lại đang tiềm ẩn nguy cơ cao về khủng hoảng nợ công với mức nợ công đang chiếm khoảng 132% GDP, xếp thứ hai trong Eurozone, chỉ sau Hy Lạp - quốc gia vẫn đang ngụp lặn trong cuộc khủng hoảng này.