Châu Âu muốn thành lập quân đội để thoát khỏi "chiếc ô an ninh" của Mỹ

ANTD.VN - Châu Âu tiến thêm một bước trong việc tự đảm bảo an ninh cho mình để thoát khỏi “chiếc ô an ninh” của Mỹ khi muốn thành lập một quân đội châu Âu thực chất và đúng nghĩa.

Châu Âu muốn thành lập quân đội để thoát khỏi "chiếc ô an ninh" của Mỹ ảnh 1Châu Âu đang đi những bước đầu tiên trên con đường tiến tới thành lập một quân đội riêng để đảm bảo an ninh cho chính mình

Đang có những tiếng nói rất có trọng lượng ở châu Âu liên tiếp kêu gọi thành một đội quân đội riêng của châu lục này. Mới nhất là việc Thủ tướng Đức Angela Merkel trong phát biểu trước toàn thể Nghị viện châu Âu (EP) ngày 13-11 đã đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về việc thành lập một quân đội châu Âu trong tương lai. 

Trong tuyên bố thể hiện lập trường của Berlin trước các nhà lập pháp châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, thực tế an ninh châu Âu những năm qua cho thấy cần thiết phải xây dựng được một “quân đội châu Âu thực chất và đúng nghĩa”. Đề xuất của Thủ tướng Angela Merkel còn được xem là sự ủng hộ công khai của Đức đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi người đứng đầu Điện Élysée bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích khá nặng nề khi đưa ra kế hoạch thành lập một quân đội châu Âu.

Nhà lãnh đạo Pháp trước đó, vào ngày 6-11 đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia châu Âu cùng hợp tác xây dựng một “quân đội châu Âu thực sự” để bảo vệ chính mình. Thậm chí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn được cho đã “chọc giận” Tổng thống Donald Trump vào thời điểm nhà lãnh đạo Mỹ sắp tới Thủ đô Paris (Pháp) để tham gia Lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất khi tuyên bố châu Âu cần có quân đội riêng và “đánh đồng” Mỹ với Nga và Trung Quốc là “những mối đe dọa đối với an ninh châu Âu”. 

Việc 2 quốc gia nòng cốt ở châu Âu là Pháp và Đức “tiền hô hậu ủng” về việc xây dựng một quân đội châu Âu không phải ngẫu nhiên, mà cho thấy quyết tâm của lục địa già muốn tự đảm đương trách nhiệm bảo vệ an ninh cho chính mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ thoát khỏi “chiếc ô an ninh” của NATO do Mỹ giữ vai trò quyết định.

Bị tàn phá và suy kiệt sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Tây Âu đã phải trông cậy vào Mỹ thông qua NATO để đảm bảo an ninh. Sau này, khi đã hồi phục sức mạnh kinh tế, các quốc gia châu Âu vẫn muốn núp dưới “chiếc ô an ninh” NATO - nơi mà Mỹ đóng góp lớn nhất cả về binh lực và tài chính, dù phải chấp nhận chạy theo cây gậy chỉ huy của Washington.

Đã không ít lần xuất hiện những tiếng nói từ châu Âu muốn các quốc gia tại châu lục này tự chủ trong việc đảm bảo an ninh cho chính mình. Tuy nhiên, những ý tưởng này không tiến xa trên thực tế do Mỹ không muốn buông vai trò chi phối và bản thân không ít quốc gia châu Âu cũng chẳng muốn phải chi phí quốc phòng nhiều tới mức có thể đủ để đối phó với một Liên Xô trước đây (Nga sau này) hùng mạnh.

Tuy nhiên, chiến tranh lạnh kết thúc kèm theo đó là cuộc chạy đua vũ trang giảm tới mức tối thiểu đã khiến cho những ý tưởng châu Âu tự bảo đảm an ninh cho mình trở nên thực tế hơn. Đó cũng là xuất phát điểm để 9 quốc gia, gồm Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chung tay thành lập lực lượng phản ứng nhanh châu Âu vào năm 2017 với ngân quỹ ban đầu trị giá vài tỷ USD.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump - người có quan điểm “nước Mỹ trên hết” lên cầm quyền càng thôi thúc mạnh hơn cả tư duy và hành động về việc lập một quân đội châu Âu. Đặc biệt là khi Tổng thống Donald Trump thúc ép các đồng minh châu Âu phải nâng chi phí quốc phòng lên 2% GDP và mới nhất là tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô trước đây và nay là Liên bang Nga.

Châu Âu đang đi những bước đầu tiên trên con đường tới đích có một quân đội riêng đảm bảo an ninh cho mình. Thế nhưng, con đường này còn rất xa với không ít khó khăn, trắc trở cả trong lòng châu Âu và đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương.