Châu Á cởi mở và đổi mới hướng tới thịnh vượng

ANTD.VN - Không phải bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại… mà chỉ có cởi mở và đổi mới mới có thể đưa các nền kinh tế châu Á hướng tới tăng trưởng và thịnh vượng hơn.

BFA 2018 đã thu hút sự tham dự của hơn 2000 đại biểu cùng đại diện các tập đoàn hàng đầu thế giới và châu Á

Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018 đang diễn ra từ 8 đến 11-4 tại đảo Hải Nam của Trung Quốc với sự tham dự của hơn 2.000 chính khách, doanh nhân, học giả, phóng viên đến từ nhiều nước trên thế giới. Tham dự diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất được xem là phiên bản Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) của châu Á năm nay ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường của nước chủ nhà Trung Quốc còn có nhiều Tổng thống, Thủ tướng của các quốc gia châu Âu, châu Á cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

BFA được tổ chức định kỳ hàng năm tại thành phố duyên hải Bác Ngao trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Diễn đàn này do 25 nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Singapore… và Australia thành lập năm 2001 nhằm tạo môi trường đối thoại cấp cao cho Chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... để thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực châu Á.

Theo sự quan tâm chung, BFA mỗi năm lựa chọn một chủ đề là các vấn đề kinh tế nổi bật mà các quốc gia châu Á đang phải đối mặt hay cùng quan tâm. Nếu như năm ngoái là chủ đề về toàn cầu hóa thì chủ đề BFA 2018 là “Một châu Á cởi mở và đổi mới vì một thế giới thịnh vượng hơn” với 4 nội dung lớn gồm: “Toàn cầu hóa với  “Vành đai và Con đường”, “Châu Á mở cửa”, “Sáng tạo” và “Cải cách rồi mở cửa”. 

Không phải ngẫu nhiên mà BFA trong 2 năm liên tiếp đều chọn chủ đề bao trùm về toàn cầu hóa và cởi mở kinh tế. Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền tại Mỹ, cường quốc kinh tế lớn nhất và là thị trường lớn nhất thế giới, đã mang lại nhiều thách thức cho các nền kinh tế châu Á vốn dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng bởi những chính sách bảo hộ thị trường nội địa.

Chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump càng phủ bóng đen lớn lên BFA 2018 khi nước chủ nhà Trung Quốc và Mỹ đang có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại lớn. Cuộc chiến này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với Mỹ và Trung Quốc mà còn tác động lớn tới cả thương mại và kinh tế của châu Á. Bóng ma cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc còn khiến châu Á lo ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Chính vì thế, trong “Báo cáo hàng năm về sức cạnh trạnh của châu Á năm 2018” công bố tại cuộc họp báo trong khuôn khổ BFA 2018 đã nhấn mạnh vai trò  “chèo lái” quan trọng của kinh tế châu Á đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời khẳng định các yếu tố về tăng trưởng bên ngoài được tăng cường, đà chuyển động bên trong và sự hợp tác sâu rộng giữa các thị trường gắn kết về kinh tế chính là xung lực thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của châu Á. Báo cáo cho rằng thực thi các chính sách kinh tế cởi mở và đổi mới sẽ tiếp tục mang đến nhiều lợi thế phát triển, cũng như đảm bảo các nền kinh tế châu Á có liên quan có được sự ổn định hơn và phát triển tốt trong tương lai. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong cuộc gặp với Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc tại Bác Ngao trước thềm BFA 2018 đã nhấn mạnh, các vấn đề trở ngại trong tiến trình toàn cầu hóa cần phải được giải quyết thông qua hợp tác toàn cầu và các cơ chế đa phương thay vì chủ nghĩa đơn phương hay chủ nghĩa bảo hộ.