Chao đảo vì tham nhũng, chính trường Brazil tiếp tục đối đầu sóng gió

ANTD.VN - Ngay sau khi được Tòa án Tối cao và tòa phúc thẩm Brazil "bật đèn xanh", Thẩm phán Liên bang Sergio Moro đã phát lệnh bắt giữ cựu Tổng thống nước này Luiz Inacio Lula da Silva với tội danh tham nhũng. Diễn biến này có nguy cơ gây chia rẽ xã hội và đẩy Brazil vào tình trạng bạo loạn.

Chao đảo vì tham nhũng, chính trường Brazil tiếp tục đối đầu sóng gió ảnh 1Tuần hành bày tỏ sự ủng hộ yêu cầu bắt giam cựu Tổng thống Lula da Silva tại Brazil

Cựu Tổng thống Lula da Silva năm nay 72 tuổi và từng giữ 2 nhiệm kỳ Tổng thống giai đoạn 2003-2010. Hiện ông vẫn là nhà chính trị có tầm ảnh hưởng lớn tại Brazil cho dù từng bị kết tội tham nhũng và bị kết án 12 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ là căn hộ hạng sang từ công ty xây dựng OAS trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. 

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy khả năng cao ông Lula sẽ giành chiến thắng nếu được ra tranh cử do ông từng thực hiện nhiều cải cách được lòng dân trong quãng thời gian lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, phán quyết mới nhất của Tòa án và thẩm phán đồng nghĩa với việc cựu Tổng thống Lula, hiện đang là ứng cử viên hàng đầu của đảng Lao động Brazil (PT), sẽ không còn cơ hội tranh cử. 

Phản ứng trước phán quyết của Tòa án và thẩm phán liên bang Sergio Moro, đảng  PT cho rằng đây là một quyết định vội vàng và mang tính chính trị trong bối cảnh ông Lula hiện là ứng cử viên duy nhất của PT chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 10 tới. Trong khi đó, người đứng đầu công đoàn PT Wagner Santana  kêu gọi những người ủng hộ cựu Tổng thống Lula tập trung trước tư dinh của ông vào ngày 7-4 để thể hiện sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo lão thành. 

Ngay trước khi Tòa án Tối cao Brazil ra phán quyết bác đề nghị của cựu Tổng thống Lula về việc hoãn thi hành án, căng thẳng đã leo thang trong các cuộc biểu tình phản đối và ủng hộ cựu Tổng thống da Silva diễn ra trên khắp Brazil. Tại thành phố Sao Paulo lớn nhất Brazil cũng như tại Rio de Janeiro, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ủng hộ việc thi hành án đối với ông Lula.

Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ nhà lãnh đạo của đảng cánh tả Lao động Brazil (PT) cũng diễn ra trên khắp đất nước và có nguy cơ biến thành bạo lực, đẩy Brazil vào tình trạng đối mặt với bất ổn xã hội. Thậm chí, Tướng Eduardo Villas Boas - Tổng tư lệnh quân đội Brazil, đã đăng dòng trạng thái trên tài khoản Twitter, trong đó nhắc nhở quân đội “chú ý tới các sứ mệnh” của lực lượng này và “trong tình hình hiện tại của Brazil, các thể chế và người dân đặt ra câu hỏi ai đang thực sự nghĩ cho hạnh phúc của đất nước chúng ta và các thế hệ tương lai của nước này, còn ai chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân”.

Tuyên bố này khiến không ít người lo ngại quân đội sẽ dựa vào tình thế bất ổn của xã hội để can thiệp và đưa đất nước Brazil trở lại thời kỳ quân phiệt 1964-1985.

Nhưng Brazil không chỉ rơi vào bất ổn vì những cuộc biểu tình có nguy cơ dẫn đến bạo loạn giữa phe phản đối hay ủng hộ Chính phủ. Vấn đề nằm ở chỗ sóng gió trên chính trường Brazil dường như vẫn chưa thể đi tới hồi kết. Liên tiếp các chấn động trong hơn một năm qua, bắt đầu từ việc cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị phế truất, rồi Tổng thống đương nhiệm Michel Temer bị yêu cầu đưa ra xét xử trong một tòa án hình sự và đến nay, một cựu Tổng thống bị tuyên án tù giam, đã phơi bày mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil. 

Các bê bối tham nhũng và những đấu đá quyền lực đã hủy hoại cả những nhân vật chính trị được lòng dân nhất ở Brazil, khiến cho người dân nước này hoài nghi về hệ thống Chính phủ của họ hơn bao giờ hết. Quy mô vụ bê bối tham nhũng khiến người ta choáng váng. Có tới 1/3 số nghị sĩ Thượng viện bị Tòa án Tối cao Brazil đưa vào diện điều tra cũng như 1/3 số thành viên nội các của Tổng thống Michel Temer và gần 40 thành viên Hạ viện. Tất cả 5 cựu Tổng thống còn sống cũng đang thuộc diện bị nghi ngờ. 

Ngay đối với Tổng thống đương nhiệm, Quốc hội đã bắt đầu thảo luận về việc có tiến hành một phiên xét xử ông Michel Temer, người bị cáo buộc đã nhận khoản đút lót trị giá 150.000 USD, bất chấp việc ông Temer cũng đã bác bỏ những lời tố cáo này, hay không. Quyết định có đưa ông Temer ra xét xử tại tòa án hình sự hay không còn phải chờ Hạ viện xem xét trong phiên bỏ phiếu toàn thể dự kiến diễn ra vào ngày 2-8 tới. 

Brazil tiếp tục chìm sâu trong bất ổn chính trị khi cuộc tổng tuyển cử đang tới gần mà chưa có ứng cử viên nào thực sự có triển vọng để tiếp quản vị trí Tổng thống của ông Temer trong cuộc bầu cử vào tháng 10 tới.