Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly: "Tôi sẽ tại chức đến năm 2020"

ANTD.VN - “Tôi không đi đâu cả và sẽ tại chức đến năm 2020” - Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly đã khẳng định như vậy khi tiết lộ với các trợ lý cao cấp của mình rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu giữ nguyên vị trí đến năm 2020 và ông đã đồng ý.

Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly: "Tôi sẽ tại chức đến năm 2020" ảnh 1Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly thừa nhận luôn thẳng thắn với Tổng thống Donald Trump

Tiết lộ của ông Kelly được đưa ra giữa lúc có những tin đồn dai dẳng rằng vị tướng thủy quân lục chiến về hưu sẽ sớm rời khỏi Nhà Trắng. Thực tế, sau nhiều tháng dư luận băn khoăn rằng liệu vị Chánh văn phòng Nhà Trắng sẽ “giữ ghế” được bao lâu và ai sẽ thay thế ông, ông John Kelly cho biết, ông và Tổng thống Donald Trump đã đạt được một thỏa thuận. Ngày 31-7, Tổng thống Mỹ đã gửi lời chúc mừng đến trợ lý hàng đầu của mình về dấu ấn sau 1 năm cùng với bức ảnh chụp 2 người đều cười rạng rỡ.

Trong khi ông Kelly có vẻ “an toàn”, nhiều quan chức khác vẫn tự hiểu rằng không ai trong chính quyền của ông Donald Trump - ngoài Tổng thống và các thành viên trong gia đình ông - có công việc đảm bảo lâu dài tại Nhà Trắng, bởi vận may của họ có thể thay đổi rất nhanh tùy thuộc vào cảm xúc của ông chủ Nhà Trắng.

 Ngay cả khi ông Kelly “sống sót” qua nhiệm kỳ của Tổng thống, giới quan sát nhận xét rằng vị thế của ông đã giảm sút nhiều so với mùa hè năm ngoái, khi ông Donald Trump đưa ông vào vị trí thay thế cho vị Chánh văn phòng đầu tiên, Reince Priebus để lập lại trật tự ở khu văn phòng dường như có dấu hiệu mất kiểm soát.  

Vài tháng đầu sau khi bắt tay vào công việc mới, ông John Kelly, cựu Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ đã áp dụng kỷ luật cứng ở một nơi đầy không khí đố kỵ, rò rỉ thông tin. Ông đã ép các nhân vật chia rẽ như Stephen K. Bannon, chiến lược gia trưởng của ông Donald Trump và Sebastian Gorka - một phụ tá an ninh quốc gia phải ra đi vì nhiệm vụ không rõ ràng. Ông còn hạn chế quyền tiếp cận thông tin bí mật - một động thái gây xung đột với người con rể và là cố vấn cấp cao của ông Donald Trump, Jared Kushner. Thời điểm đó, Tổng thống Donald Trump bắt đầu bình tĩnh trước những nỗ lực của ông Kelly để quản lý Nhà Trắng.  

Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, có lần Tổng thống Mỹ đã nổi giận về phát ngôn của ông Kelly về ý tưởng xây dựng một bức tường dọc theo biên giới phía Nam với Mexico. Như đã làm với các cố vấn hàng đầu khác, ông Donald Trump viết trên Twitter: “Bức tường là bức tường, nó chưa bao giờ thay đổi hoặc phát triển từ ngày đầu tiên tôi hình dung về nó”, để trực tiếp bày tỏ sự thất vọng của ông đối với ông Kelly. 

Trợ lý của ông John Kelly cho biết, đến hiện tại, ông Kelly không còn cố gắng hạn chế những người muốn gặp Tổng thống và dường như đã từ bỏ việc hiệu đính các nội dung mà Tổng thống đăng tải trên mạng xã hội vào giờ nghỉ. Hai trong số những người quan trọng nhất được tuyển vào Nhà Trắng gần đây là ông John R. Bolton - Cố vấn an ninh quốc gia và Larry Kudlow - Cố vấn kinh tế trưởng - có đường dây trực tiếp với Tổng thống.

Người ta cũng để ý rằng, trong chuyến công tác mới đây tới trụ sở của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO ở Thủ đô Brussels (Bỉ), Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly đã nhăn mặt và quay lưng sau khi Tổng thống cho rằng Đức, một đồng minh NATO bị phụ thuộc vào Nga khi mua khí đốt của Mátxcơva. Thư ký Báo chí Nhà Trắng, Sarah Huckabee Sanders, sau đó phải giải thích rằng ông Kelly đã bày tỏ sự không hài lòng “bởi vì ông mong đợi một bữa ăn sáng đầy đủ hơn, thay vì chỉ có bánh ngọt và pho mát”.

Cũng không có gì đảm bảo rằng Tổng thống muốn giữ lại Chánh văn phòng Nhà Trắng đến năm 2020 bởi đến tháng 11 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và các tính toán chính trị của Nhà Trắng có thể cần phải thay đổi nếu Đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện trong Quốc hội.

Tuy nhiên, một trong những quan chức Nhà Trắng tiết lộ, công việc trong những tháng tới sẽ rất bề bộn, nên họ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, thậm chí không có thời gian để bàn đến chuyện về ghế Chánh văn phòng nữa.