Chặn "bàn tay" tận diệt tê giác và hổ

ANTD.VN - Trước sức ép của quốc tế, Chính phủ Trung Quốc đã phải đảo ngược quyết định cho phép dùng sừng tê giác và xương hổ trong Đông y. 

Chặn "bàn tay" tận diệt tê giác và hổ ảnh 1Một số vụ buôn lậu sừng tê giác lớn từ châu Phi tới châu Á bị phát hiện và bắt giữ qua điểm trung chuyển Thái Lan

Trong phát biểu được đăng tải trên hãng tin chính thức Tân Hoa xã, Người phát ngôn Hội đồng Nhà nước Trung Quốc Đinh Học Đông bất ngờ tuyên bố, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục trừng trị nghiêm khắc các hành vi mua bán bất hợp pháp tê giác, hổ và các phụ phẩm từ các loài động vật này. Đây được xem là sự đảo ngược lập trường về việc bảo vệ động vật hoang dã mà Chính phủ quốc gia được coi như “điểm đen” trong vấn đề này đưa ra chỉ chưa đầy nửa tháng trước.

Vào ngày 29-10 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã công bố sắc lệnh do Thủ tướng Lý Khắc Cường ký phê chuẩn mà theo đó cho phép “một số trường hợp đặc biệt” liên quan việc sử dụng hoặc buôn bán tê giác, hổ. Những trường hợp đặc biệt này chính là việc “bật đèn xanh” cho việc dùng các bộ phận của tê giác và hổ như sừng và xương trong việc bào chế các loại thuốc Đông y vốn rất phổ biến ở nước này.

Quyết định cuối tháng 10 vừa qua của Chính phủ Trung Quốc được xem là sự nới lỏng lệnh cấm do nước này áp dụng từ năm 1993 nhằm cấm đoán triệt để mọi hành vi từ buôn bán để nghiên cứu, sử dụng các với sản phẩm từ tê giác và hổ trong cuộc sống, đặc biệt là dùng để bào chế các loại thuốc Đông y. Lệnh cấm 25 năm trước là cam kết thể hiện trách nhiệm của Trung Quốc nhằm góp phần bảo vệ động vật hoang dã trên toàn cầu, đặc biệt là những loại động vật nguy cấp trong sách đỏ.

Không chỉ có dân số trên một tỷ người, Trung Quốc còn là quốc gia sử dụng thuốc Đông y xa xưa nhất thế giới với thời gian hàng nghìn năm. Trong đó, sừng tê giác và xương hổ là một thành phần quý hiếm làm dược liệu để bào chế nhiều loại thuốc bí truyền, thậm chí không ít loại còn được người dân Trung Quốc xem như là “thần dược” có tác dụng “cải tử hoàn sinh” hay “cải lão hoàn đồng”…

Nhu cầu quá lớn và ngày càng cao của thị trường Trung Quốc bị giới bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu liệt vào “điểm đen” đáng sợ nhất, góp phần lớn nhất vào việc đẩy tê giác và hổ thế giới tới bờ vực tuyệt chủng. Đó là nguyên nhân khiến Chính phủ Trung Quốc phải ban hành lệnh cấm triệt để hoạt động mua bán và sử dụng các bộ phận của tê giác và hổ năm 1993.

Tuy nhiên, lệnh cấm trên cũng chỉ làm giảm thiểu phần nào chứ chưa thể làm chấm dứt hoạt động mua bán và sử dụng các bộ phận của tê giác và hổ trên thế giới. Một trong những bằng chứng là số lượng tê giác trong môi trường tự nhiên trên thế giới từ hơn 100 nghìn cá thể đầu những năm 1970 giảm xuống chỉ còn chưa tới 30 nghìn con hiện nay, bất chấp những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt của quốc tế, nhất là tại các quốc gia châu Phi - nơi sinh sống chủ yếu của loài động vật quý hiếm này.

Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ Trung Quốc nới lỏng lệnh cấm, “bật đèn xanh” cho việc dùng sừng tê giác và xương hổ làm dược liệu bào chế thuốc Đông y khiến cho các nhà bảo vệ quyền động vật hoang dã toàn cầu đặc biệt lo ngại. Họ đã phát động một chiến dịch mạnh mẽ trên toàn cầu trong thời gian nửa tháng qua để gây áp lực buộc Chính phủ nước này phải đảo ngược quyết định công bố ngày 29-10. 

Trung Quốc đã phải lùi bước trước sức ép quốc tế, song vẫn chưa khiến giới bảo vệ tê giác và hổ trên thế giới an tâm khi giá sừng tê giác và xương hổ thị trường chợ đen ngày càng cao (mỗi kilogam sừng tê giác hiện có giá tới hơn 60 nghìn USD), siêu lợi nhuận còn hơn cả ma túy.