"Cây gậy" làm rạn nứt EU

ANTĐ - Sự lựa chọn không gia hạn hay tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine đang gây ra những chia rẽ không nhỏ trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 thành viên.

Lệnh trừng phạt của phương Tây không khiến Nga chùn bước

Tổng thư ký khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 20-6 tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) cần duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Dù còn hơn một tháng nữa mới hết hạn lệnh cấm vận hiện nay của EU chống Nga (ngày 31-7), song người đứng đầu NATO đã phải vội vã lên tiếng như vậy bởi chỉ một ngày trước đó, ông Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Đức - một thành viên quan trọng của cả NATO và EU - cho rằng các lệnh trừng phạt này cần được dỡ bỏ từng bước.

Các lệnh cấm vận chống Nga của phương Tây nói chung, trong đó có lệnh trừng phạt của EU, được dựng lên ngay sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine với đỉnh điểm là việc Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3-2014. Lệnh cấm vận của EU được khởi đầu bằng việc các nước phương Tây đóng băng tài sản và cấm thị thực của nhiều cá nhân cũng như cấm các công ty Nga hoạt động và huy động vốn từ thị trường liên minh này.

Đến tháng 7-2014, khi cuộc chiến đòi ly khai ở miền Đông Ukraine bùng nổ và leo thang, EU siết chặt thêm lệnh cấm vận nhằm vào Nga bằng việc mở rộng lệnh trừng phạt với các cá nhân và công ty, các ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng. Lệnh trừng phạt này có hiệu lực từ ngày 31-7-2014 và có hiệu lực 1 năm, sau đó được gia hạn tới ngày 31-7-2016. Như vậy, nếu EU không gia hạn thì lệnh cấm vận của liên minh này chống Nga sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-7 tới.

Lệnh trừng phạt đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho cả hai phía, trong đó Nga là bên chịu tổn thất lớn hơn. Theo ước tính sơ bộ, lệnh cấm vận của phương Tây, trong đó có EU, đã gây thiệt hại cho Nga hàng trăm tỷ USD; làm GDP của Nga từ tăng trưởng khoảng 5%/năm trượt dài xuống -3%/năm, đồng ruble mất giá 2 lần…

Nhiều thành viên EU cũng chịu những thiệt hại không nhỏ do ảnh hưởng bởi chính lệnh cấm vận của liên minh và từ việc trả đũa của nước Nga khi ban hành lệnh cấm nhập lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác từ EU. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo, một số nước EU như Italia mất hơn 200.000 việc làm và GDP giảm 0,9%; Pháp mất gần 150.000 việc làm và GDP giảm 0,5%; GDP của Đức giảm khoảng 1%...

Các “cây gậy” lệnh trừng phạt kinh tế và trả đũa lẫn nhau giữa EU và Nga khiến cả hai bên cùng bị tổn thương, song quan trọng nhất là hoàn toàn không đạt được mục đích đề ra ngoài việc chỉ làm xấu đi mối quan hệ giữa liên minh và Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây tuyên bố, những nỗ lực gây sức ép với Matxcơva bằng con đường đơn phương trừng phạt sẽ không thể buộc nước này từ bỏ lợi ích quốc gia.

Bởi thế, bất chấp tuyên bố của Tổng thư ký NATO Stoltenberg, một số thành viên EU như Italia, Pháp, Đức, Hungary, Hy Lạp… ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Nga. Trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande từng công khai tuyên bố “không đồng tình với chính sách làm cho mọi việc xấu đi để đạt được mục đích” và đề nghị ngừng các lệnh trừng phạt chống Nga thì Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 19-6 cũng cho rằng nên dần dần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine…