Cây cầu kết nối hữu nghị liên Triều

ANTD.VN - Hàn Quốc và Triều Tiên đang tiếp tục những nỗ lực hòa dịu, đối thoại và hợp tác giữa hai miền bằng việc bắc những “cây cầu hữu nghị” kết nối giao lưu giữa người dân hai bên.

Cây cầu kết nối hữu nghị liên Triều ảnh 1Các binh sĩ Hàn Quốc - Triều Tiên cùng giải tỏa chướng ngại vật nhằm xây dựng tuyến đường bộ nối hai miền

Đoàn khảo sát của Hàn Quốc gồm hơn 10 người ngày 21-12 đã tới Triều Tiên để bắt đầu tiến hành khảo sát chung trong thời gian 4 ngày tuyến đường bộ Gyeongui và tuyến đường bộ dọc Biển Đông đoạn đi qua lãnh thổ Triều Tiên. Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu, đoàn tiến hành kiểm tra đoạn đường dài 100km từ huyện Goseong (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc) tới thành phố Wonsan (Triều Tiên); tiếp đó là khảo sát bổ sung đoạn đường dài 4km ở thành phố Gaesung của Triều Tiên thuộc tuyến đường bộ Gyeongui.

Vào tháng 8-2018, đoàn khảo sát chung liên Triều cũng đã tiến hành kiểm tra tuyến đường bộ Gyeongui trong 8 ngày, tuy nhiên đây là lần đầu tiên hai bên khảo sát chung tuyến đường bộ dọc Biển Đông. Cho tới lúc này, hai miền Triều Tiên vẫn đang bất đồng ý kiến về việc nâng cấp đoạn đường này thành đường cao tốc hay chỉ hiện đại hóa ở mức quốc lộ thông thường.

Trong trường hợp đạt được sự thống nhất ý kiến dựa trên kết quả khảo sát lần này, hai bên sẽ bắt tay vào khảo sát thực tế, xem xét về mức độ và phương pháp hiện đại hóa đường bộ tại Triều Tiên. Lễ khởi công kết nối, hiện đại hóa đường sắt, đường bộ liên Triều dự kiến tổ chức trong tuần sau với sự tham dự của quan chức cấp cao hai miền nếu đoàn khảo sát hai bên tìm được tiếng nói chung.

Thỏa thuận hiện đại hóa và kết nối tuyến đường sắt cũng như đường bộ liên Triều là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất của các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 4 năm nay. Trong đó, tại cuộc gặp đầu tiên tại Làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm), Tổng thống Hàn Quốc Kim Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra tuyên bố mang tính “phá băng” khi cam kết cùng nỗ lực để đưa quan hệ liên Triều từ đối đầu căng thẳng sang hòa giải để tiến tới hòa bình bền vững trên cả ba lĩnh vực chủ yếu: quan hệ liên Triều, giảm căng thẳng quân sự và giải trừ hạt nhân. 

Tại cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai diễn ra sau đó chỉ 1 tháng, các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên bên cạnh việc thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên trong lịch sử, đã đạt được những thỏa thuận thúc đẩy quan hệ liên Triều như: tiền hành trao đổi văn hóa - thể thao, tổ chức gặp gỡ đoàn tụ các gia đình ly tán, thiết lập văn phòng liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaesong… Đáng chú ý, hai bên còn nhất trí tiến hành các cuộc khảo sát về chất lượng và điều kiện của các đường ray đường sắt và đường bộ Triều Tiên để hướng tới kết nối xuyên biên giới.

Trong hội nghị thượng đỉnh thứ ba vào tháng 9-2018, Tổng thống Hàn Quốc Kim Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký Thỏa thuận Quân sự toàn diện (CMA) mà theo đó hai bên cùng cam kết giảm bớt các cuộc tập trận gần vùng phi quân sự (DMZ), thiết lập các vùng cấm bay và cấm chạy tàu, gỡ bỏ các trạm gác bên trong DMZ  cũng mở các chiến dịch chung tìm kiếm hài cốt chiến tranh bên trong DMZ. CMA được xem là bước tiến quan trọng, đánh dấu việc thực hiện các biện pháp cụ thể xây dựng lòng tin và an ninh song phương kể từ khi hai miền Triều Tiên nhất trí theo đuổi những sáng kiến này từ năm 1991.

Vẫn biết chặng đường phía trước còn rất dài với vô vàn những khó khăn, song triển khai tích cực và thực chất các thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều đã góp phần dựng xây những “cây cầu hữu nghị” để tiến tới bình thường hóa quan hệ và nền hòa bình bền vững giữa hai miền Triều Tiên.