Câu chuyện về những "bệnh nhân số 0" điển hình trong các đại dịch gần đây

ANTD.VN - Gaëtan Dugas, một tiếp viên hàng không người Pháp gốc Canada đã bị hiểu lầm là người đầu tiên mang virus gây suy giảm miễn dịch ở người, hay HIV, đến Mỹ. Nhưng khoa học đã chứng minh, virus này có ở Mỹ vào khoảng năm 1970. Mặc dù Dugas được minh oan năm 2016 nhưng câu chuyện về các “bệnh nhân số 0” điển hình trong thế kỷ 20, 21 đôi khi có khá nhiều điều thú vị.

“Mary thương hàn”

Vì có khả năng siêu lây nhiễm nên Mary Mallon còn được đặt biệt danh là “Mary thương hàn”. Tiến sĩ Richard Stein, một nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa New York khi viết cuốn sách “Siêu lây lan trong các bệnh truyền nhiễm” đã đề cập đến nhân vật đặc biệt này. Mallon (1868-1939) người Ireland, thường nấu ăn cho các gia đình ở New York vào đầu những năm 1900. Đến một thời điểm, thành viên của các hộ gia đình nơi bà làm việc bị sốt thương hàn, đe dọa đến tính mạng do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Khi đó, Mallon sớm được xác định là “bệnh nhân số 0”, mặc dù bà không bao giờ phát triển các triệu chứng.

Những người như “Mary thương hàn”, vì lý do nào đó dù bị nhiễm bệnh và không có nhiều triệu chứng nhưng lại có thể loại bỏ mầm bệnh đó theo cách khiến nó lây nhiễm sang người khác. Mallon bị buộc phải cách ly 2 lần trong tổng cộng 26 năm. Bà từng khởi kiện cơ quan y tế New York rằng bà không thể lây bệnh cho người khác vì không bị bệnh, nhưng kết quả là thua kiện. Vẫn chưa rõ liệu Mallon có phải là bệnh nhân thương hàn thực sự hay chỉ đơn giản là một trường hợp siêu lây nhiễm, siêu phát tán vi khuẩn nguy hiểm này. 

Bác sĩ có liên quan đến 4.000 ca nhiễm SARS

Theo các bản tin của Tổ chức Y tế Thế giới, các nhà khoa học đã lần ra dấu vết của một trường hợp siêu lây lan nghiêm trọng trong đợt dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) toàn cầu năm 2003 liên quan đến một vị bác sỹ sau 1 đêm ông ta ở lại  khách sạn Metropole tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Bác sĩ Liu Jianlun, 64 tuổi ở tỉnh Quảng Đông bị ốm trong thời gian lưu trú tại khách sạn và có thể đã truyền virus cho ít nhất 16 khách khác ở cùng tầng. Thật trùng hợp, ông Liu ở phòng 911 trên tầng 9 của khách sạn. “Người này không gọi là “bệnh nhân số 0” nhưng nếu xem xét yếu tố ảnh hưởng đến sự bùng phát, ông ấy đóng vai trò quan trọng trong việc lây lan dịch bệnh”, Tiến sĩ Ian Lipkin, người từng nhận giải thưởng vì đã hỗ trợ WHO và Trung Quốc trong thời kỳ bùng phát dịch SARS nói.

Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, khoảng 4.000 trường hợp và 550 ca tử vong do SARS có thể liên quan đến đầu nguồn từ lúc bác sĩ Liu ở Hồng Kông. Nhưng ông Liu đã bị nhiễm SARS như thế nào? Bệnh viện nơi ông làm việc có điều trị cho bệnh nhân SARS và vị bác sĩ này có thể đã nhiễm virus từ bệnh nhân.

Trong khi đó, ở Quảng Đông, người ta cho rằng ai đó đã tiếp xúc với virus qua động vật, nguyên nhân chiếm tới 60% bệnh truyền nhiễm ở người. Theo báo cáo của WHO, SARS được cho là có nguồn gốc từ loài dơi sau đó lây sang các động vật khác, chẳng hạn như cầy hương trước khi lây nhiễm sang người ở Trung Quốc. “Đối với nhiều bệnh truyền nhiễm từ động vật, bước đầu tiên liên quan đến vật chủ truyền bệnh. Sau đó nếu virus có thể lây truyền trực tiếp giữa người với người thì nó không còn cần đến ổ chứa động vật nữa và dịch bệnh có khả năng bùng lên”, Tiến sĩ Richard Stein cho biết.

Ca bệnh “đánh dấu” chủng virus mới: H5N1 và H1N1

Năm 2004, một cậu bé 6 tuổi tên Captain Boonmanuch đã trở thành người đầu tiên được xác nhận mắc bệnh cúm gà ở Thái Lan khi virus lây lan khắp châu Á, USA Today đưa tin. Có thể không phải là “bệnh nhân số 0”, nhưng trước khi ngã bệnh, cậu bé đã bắt con gà đang kêu đem đến nhà chú của mình. Người ta tin rằng khi đó, con gà đã lây virus cúm gia cầm sang cho Boonmanuch, từ đó lây nhiễm cho nhiều người khác. Từ năm 2003-2016, tổng cộng có 850 trường hợp nhiễm virus H5N1 ở người trên toàn thế giới đã được ghi nhận và đã có 452 trường hợp tử vong. 

Các dịch bệnh mới xuất hiện ở người thường xuất phát từ việc tiếp xúc với các bệnh ở động vật. Các virus đó chủ yếu là sản phẩm tái tổ hợp giữa các virus từ động vật với virus có sẵn ở người. Quá trình tái tổ hợp này xuất hiện khi vật liệu di truyền từ 2 hoặc nhiều loại virus trộn lẫn với nhau khi sống trong một vật chủ là người hoặc động vật. Điều này xảy ra thường xuyên trong tự nhiên.

Tương tự, với chủng virus H1N1 ở lợn gây ra đại dịch năm 2009 và gần đây nhất là năm 2018, có vẻ như nó phổ biến ở lợn nhưng đó chỉ là loài động vật “chịu trận” khi mà nguồn gốc virus lại từ loài chim hoang. Edgar Hernandez, cậu bé 5 tuổi sống ở thị trấn La Gloria của Mexico được xác định là trường hợp nhiễm cúm H1N1 sớm nhất trong vụ dịch năm 2009. Edgar có thể gọi là “bệnh nhân số 0” nhưng qua đó có thể thấy, khi xâm nhập vào cơ thể người, virus từ động vật nhân lên nhưng phải tìm cách thoát ra khỏi người đầu tiên đó để tồn tại. Có virus yếu và chết đi nhưng cũng có virus sống khỏe để bùng phát thành dịch.

Câu chuyện về những "bệnh nhân số 0" điển hình trong các đại dịch gần đây ảnh 2Đối với hầu hết đại dịch về bệnh truyền nhiễm, xác định chính xác người nhiễm đầu tiên dường như là không thể

Emile và Ebola

Một loại virus từ lâu đã được truyền từ người sang người và hết sức nguy hiểm là Ebola. Ebola có thể được đưa vào quần thể người thông qua tiếp xúc gần gũi với máu, dịch tiết, nội tạng và các chất dịch cơ thể khác của động vật bị nhiễm bệnh như dơi, khỉ hay thậm chí là linh dương rừng.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England năm 2014, một cậu bé 2 tuổi là trường hợp đầu tiên bị nghi ngờ làm cho dịch Ebola bùng phát. Emile Ouamouno sống ở làng Meliandou, phía Nam Guinea đột nhiên bị sốt, nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng vào tháng 12-2013. Chỉ 4 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, cậu bé tử vong. Trong vòng 1 tháng, bà, mẹ và chị gái 3 tuổi của Emile cũng chết vì căn bệnh này. Ebola nguy hiểm ở chỗ, virus tiếp tục lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể người kể cả sau khi con người ta đã chết, Tiến sĩ Richard Stein, nhà khoa học nghiên cứu tại Đại học New York nhấn mạnh. Bởi vậy, các biện pháp chôn cất không an toàn cũng có thể làm cho dịch bệnh lây lan.

Sai vị trí, sai thời điểm

MERS, Hội chứng hô hấp Trung Đông, là một loại virus mạnh được xác định ở Ảrập Saudi vào năm 2012 và được đặt tên vào năm 2013. Các nhà khoa học cho rằng lạc đà có khả năng là nguồn lây nhiễm MERS cho con người.

Năm 2016, tại Hàn Quốc đã xảy ra ổ dịch MERS khi một người đàn ông 68 tuổi có lịch sử du lịch rộng được coi là “bệnh nhân số 0”. Người đàn ông này đã đi du lịch tới Bahrain, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Saudi Arabia và Qatar trước khi trở về Hàn Quốc. Thấy bị bệnh, ông đã đến Trung tâm y tế Samsung ở Seoul để khám. Theo nghiên cứu, thời gian ủ bệnh có thể dao động từ 2-14 ngày. Trong từng đó thời gian, bệnh nhân có thể đã truyền virus MERS cho 28 người khác trước khi đến bệnh viện. Một bệnh nhân trong số 28 người này lại có thể truyền MERS cho 82 người khác trong bệnh viện.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng rất khó để xác định ai là người đầu tiên gây ra đợt bùng phát bệnh dịch. “Trong lịch sử, ít nhất là lịch sử các bệnh truyền nhiễm, điều đó không có cơ sở chặt chẽ. Hiếm khi chúng ta có thể khẳng định người này hay ngày kia là nguồn cơn khiến dịch lây lan. Kể cả khi truyền tác nhân gây bệnh, họ đâu biết dịch bệnh sẽ bùng phát. Chỉ là họ đã ở sai vị trí không đúng thời điểm mà thôi”, ông Bertram Jacobs - nhà virus học tại Đại học bang Arizona nói. 

“Bệnh nhân số 0” vẫn thường được sử dụng để mô tả các trường hợp được ghi nhận đầu tiên về bệnh dịch. Xác định bệnh nhân số 0 có thể dẫn đến sai lầm là ai đó bị đổ lỗi cho một đợt bùng phát bệnh nhưng điều đó quan trọng về mặt khoa học, giúp cho mọi người hiểu rõ cách thức lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, đối với hầu hết đại dịch về bệnh truyền nhiễm, trường hợp nguyên phát này sẽ không bao giờ tìm ra, Tiến sĩ Ian Lipkin - Giáo sư dịch tễ học, Giám đốc Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch tại Đại học Columbia ở New York cho biết.