Câu chuyện sau bức ảnh xúc động của người cha hôn con qua hàng rào sắt

ANTD.VN - Bức ảnh chụp cảnh một người đàn ông Syria hôn tay con qua hàng rào sắt ở trại tị nạn đã khiến nhiều người thực sự xúc động, khó cầm được nước mắt. Câu chuyện đằng sau bức ảnh của hãng Reuters chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Khoảnh khắc xúc động của người đàn ông hôn con qua hàng rào sắt

Bức ảnh gây xúc động ghi lại khoảnh khắc của anh Ammar Hammasho, một người tị nạn Syria, khi được gặp lại các con trong một trại tị nạn ở CH Síp, sau hơn 1 năm xa cách.

Khi gặp các con, anh Hammasho đã quỳ gối xuống đất, và hôn tay từng bé khi những đứa trẻ thò qua hàng rào sắt cao 3m để được chạm vào bố. Người đàn ông hạnh phúc đã dành nụ hôn lâu nhất cho con gái Sham bé bỏng – cô bé mặc váy đen, áo khoác trắng và đi đôi dép màu hồng rất dễ thương.

Bức ảnh khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt, ghi lại khoảnh khắc đoàn tụ của gia đình di cư Syria

Gia đình anh Hammasho vốn ở tỉnh Idlib của Syria, nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Vợ chồng anh hiện có 4 đứa con nhỏ (ở độ tuổi lần lượt là 7, 5, 4 và 18 tháng), sau khi một bé đã qua đời trong cuộc không kích hồi năm 2015.

“Viên cảnh sát bảo tôi phải chờ nửa tiếng để giải quyết xong thủ tục Nhưng tôi không thể chờ đợi được, tôi thấy bọn trẻ qua hàng rào và tôi đã chạy đến vẫy. Các con nhìn thấy tôi và chạy lại. Tôi chỉ muốn được nhìn thấy chúng, để trái tim mình sát bên cạnh các con”, anh Hammasho chia sẻ về khoảnh khắc xúc động, khi được gặp các con qua hàng rào sắt của trại tị nạn.

Khi đó, 3 đứa trẻ đã chạy vội ra hàng rào để được gần bố, trong khi người mẹ bế bé Jumah mới 18 tháng tuổi trên tay và đi theo sau. Hàng rào cao 3m ở trại tị nạn đã không thể ngăn cản được tình cảm của gia đình họ, khi các bé thò tay qua rào để bố hôn âu yếm.

“Chúng tôi sẽ về nhà sau chiến tranh”

Khi quê nhà ngập trong chiến tranh và bạo loạn, anh Hammasho đã tiên phong di cư trên một con thuyền nhỏ và lênh đênh trên biển. Anh tới CH Síp vào ngày 6-9-2016. Sau đó, người đàn ông Syria này xin vào làm công nhân xây dựng, và tiết kiệm được 6.000 USD để trả cho một tay buôn người, nhằm đưa cả gia đình cùng rời quê để tới Síp.

Và lộ trình để vợ con anh rời quê diễn ra đúng như những gì Hammasho từng trải qua, trên một con thuyền nhỏ vượt biển.

“Tôi biết vợ con mình đã được thu xếp để di chuyển, nhưng không biết chính xác khi nào họ tới nơi. Khi đọc thông tin trên internet về chiếc thuyền chở 300 người tới Síp, tôi biết chắc là gia đình mình ở đó rồi”, anh Hammasho bày tỏ.

Hiện giờ, người đàn ông Syria nói trên đang có nhiều lợi thế để xin được sống tại Síp theo diện người di cư được chấp nhận. Anh nói rằng nỗ lực của mình thuận lợi hơn nhiều người khác, nhờ quãng thời gian 4 năm mà anh từng làm công nhân xây dựng ở Síp trước đây (từ năm 2004 tới 2008).

Niềm vui lớn nhất của người đàn ông Syria này là được gặp lại vợ và 4 đứa con thơ

Sau khi rời Síp vào năm 2008, anh Hammasho đã về quê để xây nhà, lấy vợ và sinh con đẻ cái.

“Tôi đã mua được cánh đồng rộng 1,6 ha. Và tôi làm việc cả ngày lẫn đêm. Giờ thì tôi vẫn còn cánh đồng đó, nhưng ngôi nhà của tôi thì trở thành một đống bụi rồi”, anh Hammasho chia sẻ.

Quyết tâm rời khỏi Syria của anh Hammasho và gia đình trở nên lớn hơn, sau khi người con tên là Jumah (5 tuổi) thiệt mạng trong một trận không kích hồi năm 2015. Vợ chồng anh đã lấy lại tên Jumah để đặt cho đứa con nhỏ chào đời về sau, mà nay bé đã được 18 tháng tuổi.

“Hãy nhìn xem, ở Syria lúc này, bạn không thể sống một cuộc sống đúng nghĩa. Tôi không còn nhà, tôi bị mất con. Tôi không muốn vấy máu vào tay mình. Vì nếu muốn có bánh mỳ để ăn, bạn không có lựa chọn nào ngoài việc phải vấy máu vào tay mình. Bạn phải đi theo các nhóm chiến binh Hồi giáo, hoặc theo phe Tổng thống Assad, hoặc tham gia những nhóm ăn cắp, cướp bóc… Tôi không thể sống như thế được”, anh Hammasho kể về nỗi khổ khi ở quê nhà.

Dù vậy, người đàn ông Syria vẫn khẳng định, một khi chiến tranh kết thúc, anh và gia đình sẽ trở lại quê hương.

“Tôi sẽ về lại cánh đồng của mình. Đó là đất nước của tôi, và tôi sẽ về nhà!”, anh Hammasho bày tỏ.