Cảnh giác mối đe dọa từ Trung Quốc

ANTĐ - Cả Indonesia và Ấn Độ bất ngờ cùng phải tăng cường năng lực phòng thủ trên các hòn đảo thuộc chủ quyền hai quốc gia này, nhằm đối phó với mối đe dọa từ lực lượng hải quân Trung Quốc.

Cảnh giác mối đe dọa từ Trung Quốc ảnh 1Indonesia sẽ triển khai máy bay chiến đấu hiện đại Su-30 của nước này tới căn cứ không quân Rinai  để đối phó với nguy cơ xung đột trên Biển Đông

Tờ “The Jakarta Post” (Bưu điện Jakarta) của Indonesia ra ngày 8-9 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu cho biết, quân đội Indonesia có kế hoạch xây một hải cảng trên quần đảo Natuna và mở rộng đường băng của căn cứ không quân Ranai trên quần đảo này. Theo người đứng đầu lực lượng vũ trang Indonesia, thời gian tới sẽ triển khai máy bay chiến đấu phản lực đến đồn trú thường xuyên tại căn cứ Ranai.

Trước thông báo chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Ryacudu, không quân Indonesia cũng đã cho biết về kế hoạch nâng cấp căn cứ không quân tại Ranai trên đảo Riau thuộc quần đảo Natuna để có thể triển khai các loại máy bay chiến đấu hiện đại Su-27 và Su-30 tại đây. Hiện công tác nâng cấp sân bay đã hoàn thành, bao gồm việc lắp đặt đèn đường băng, đèn đường lăn và hệ thống radar.

Trong tương lai, Indonesia sẽ tiếp tục xây dựng khu chứa máy bay tại căn cứ Ranai để hướng tới mục tiêu triển khai thường xuyên một trung đội máy bay chiến đấu phản lực Sukhoi. Ngoài ra, không quân Indonesia cũng dự kiến sẽ điều động khoảng 4 chiếc trực thăng chiến đấu hiện đại AH-64E Apache tới quần đảo Natuna.

Không nêu đích danh lý do tăng cường lực lượng quân sự trên quần đảo Natuna thuộc tỉnh đảo Riau của Indonesia nằm ở phía nam Biển Đông, song giới chức quốc phòng Jakarta cho biết động thái trên là để “đối phó với những nguy cơ xung đột vũ trang do tranh chấp chủ quyền” ở vùng biển chiến lược này. Cùng với không quân, Indonesia cũng đã lên kế hoạch mua thêm 274 tàu hải quân, 10 phi đội máy bay chiến đấu, cùng 12 tàu ngầm diesel thế hệ mới để đối phó với nguy cơ gia tăng xung đột ở Biển Đông.

Indonesia gia tăng sức mạnh quân sự sau khi Trung Quốc công bố yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” 9 đoạn, đòi hỏi chủ quyền tới 80% diện tích trên Biển Đông, “liếm” cả vào vùng biển mà Jakarta coi là vùng đặc quyền kinh tế. Chuyên gia Tim Huxley, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (Singapore) nhận định: “Người Indonesia không muốn để Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc và muốn duy trì tự do hàng hải”. 

Chỉ 1 ngày trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia thông báo xây dựng căn cứ hải quân và không quân, Ấn Độ cũng đã phải khẩn trương triển khai thêm tàu chiến đến gần quần đảo Andaman sau khi phát hiện một số tàu Trung Quốc tiến hành trinh sát trong khu vực thuộc quyền kiểm soát của New Delhi gần tuyến vận tải huyết mạch đi qua eo biển Malacca. Trước đó, Ấn Độ cũng đã có kế hoạch triển khai thêm tàu chiến và máy bay chiến đấu đến quần đảo Andaman và Nicobar khi thấy hải quân Trung Quốc tăng cường hiện diện ở khu vực quần đảo nằm tiếp cận eo biển Malacca này.

Những phản ứng gia tăng khả năng quốc phòng của Indonesia hay Ấn Độ diễn ra khi mà không chỉ hai quốc gia này mà các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều đang tăng cường mua sắm vũ khí với chi phí quốc phòng lên tới 40 tỷ USD vào năm 2016 nhằm đối phó với đòi hỏi chủ quyền đi đôi với sức mạnh quân sự gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc, đặc biệt là hải quân.