Cảnh báo hiểm họa từ "trái tim" châu Âu

ANTĐ - Loạt vụ tấn công xảy ra tại Brussels (Bỉ) - nơi được coi là trái tim châu Âu, đã bộc lộ hiểm họa từ một thế hệ “thánh chiến” châu Âu mới được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) gieo rắc tư tưởng cực đoan.

Cảnh báo hiểm họa từ "trái tim" châu Âu ảnh 1An ninh đang được tăng cường tối đa tại Brussels

Chân dung những kẻ khủng bố tại Brussels khiến bất cứ ai cũng phải lo ngại. Hai kẻ thực hiện loạt vụ tấn công khủng bố ở sân bay Thủ đô Brussels là hai anh em Khalid và Ibrahim El Bakraoui.

Đều còn trẻ và tuy có tiền án song hai tên này chưa bao giờ bị cảnh sát liệt vào danh sách các phần tử có quan hệ với khủng bố. Nghi can tấn công sân bay Zaventem ở Thủ đô Brussels là N. Laachraoui cũng mới 25 tuổi và chưa có thông tin gì về mối liên hệ của hắn với khủng bố.

Điều đã rõ là vụ khủng bố ở Brussels là sự trả đũa của IS sau khi cảnh sát Bỉ bắt giữ S. Abdeslam - nghi can chính trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Thủ đô Paris, Pháp năm 2015.

Nhưng chưa ai giải thích được vì sao IS lại thành công trong việc xây dựng lực lượng ngay trong lòng châu Âu, thậm chí là ngay giữa “trái tim” châu Âu là nước Bỉ, để tung ra những đòn tấn công bất ngờ trên khắp lãnh thổ châu lục này.

Có lẽ câu trả lời phải tìm ở lời cảnh báo trước đó rằng đang có một phong trào thánh chiến hình thành ngấm ngầm ở châu Âu và được tổ chức một cách bài bản hơn những gì các cơ quan an ninh biết đến.

Thậm chí có cả những nhận định rằng ở châu Âu đang hình thành thế hệ tham gia các tổ chức thánh chiến mới với những thanh niên có trình độ tin học và tiếp thu tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Hãy nhìn vào nguồn cung lực lượng cho IS. Theo số liệu mới nhất do Trung tâm phân tích khủng bố của Pháp công bố ngày 21-3, có tới 2.030 công dân Pháp, 1.600 công dân Anh, 800 công dân Đức và 534 công dân Bỉ đã bị lôi kéo rời khỏi châu Âu để tham gia các phong trào thánh chiến cực đoan.

Còn theo một nguồn tin tình báo cao cấp của Anh, gần một nửa số công dân châu Âu từng tới Syria để gia nhập IS nay đã trở lại “lục địa già”, trở thành những mối hiểm họa khó lường.

Ông J. Solana - cựu Tổng thư ký NATO và hiện là Giám đốc Trung tâm ESADE chuyên nghiên cứu, phân tích các vấn đề kinh tế và địa chính trị toàn cầu thì đưa ra một phân tích còn đáng ngại hơn.

Theo ông J. Solana, châu Âu mở cửa cho người nhập cư nhưng lại không nhìn nhận họ là một phần trong đó và điều này đã và đang đẩy người dân tìm tới những nơi được coi là “miền đất hứa” cho ai đang tuyệt vọng vào cuộc sống.

Chẳng hạn, một người từ Algerie đến Pháp mong muốn có cuộc sống tốt hơn, thoát khỏi cảnh nghèo đói, tuyệt vọng. Tại Paris, anh ta đã tìm được một công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng và lập gia đình.

Trở thành công dân Pháp, anh ta có quyền được hưởng nền giáo dục và được chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng, anh ta lại sống ở những khu ổ chuột, không thể hòa nhập hoàn toàn với xã hội. Anh ta và gia đình hầu như không có cơ hội cải thiện tình trạng kinh tế của mình.

Cả triệu người nhập cư tại những nước châu Âu cùng có hoàn cảnh như vậy. Và điều tồi tệ hơn, đó là họ được các nhóm phần tử cực đoan tuyển mộ - những người có vẻ như sẽ cho họ những gì họ đang dần mất đi: cảm giác được là chính mình, được công nhận và có mục đích sống.

Đó chính là nguồn cung cho “làn sóng thánh chiến” đang nổi lên mà châu Âu phải đối mặt.