Căng thẳng vì cháy rừng

ANTĐ - Hiện Indonesia đang phải chịu áp lực ngày càng tăng, cả trong và ngoài nước, trước tình trạng cháy rừng và bãi than bùn gây khói bụi xuyên biên giới ảnh hưởng đến nhiều nước láng giềng. Nếu không khéo giải quyết, ô nhiễm không khí từ cháy rừng có thể trở thành ngòi nổ đe dọa quan hệ giữa các nước trong khu vực. 

Căng thẳng vì cháy rừng ảnh 1Indonesia đang nỗ lực dập tắt cháy rừng ở Sumatra

Miền nam Thái Lan đang rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ qua do khói mù dày đặc từ các vụ cháy rừng tại Indonesia gây nên.

Theo các quan chức Thái Lan, chất lượng không khí đã giảm xuống mức nguy hại tới sức khỏe tại 7 tỉnh miền Nam nước này là Narathiwat, Pattani, Phuket, Satun, Songkhla, Surat Thani và Yala. Tại 7 tỉnh trên, nồng độ bụi trong không khí vào khoảng 201 microgram/m3, cao gần gấp 1,7 lần so với mức an toàn 120 microgram/m3. Sở Môi trường tỉnh Songkhla cho biết, đây là cuộc khủng hoảng môi trường tồi tệ nhất trong 10 năm qua ở địa phương này. Giới chức Thái Lan đã phải phát khẩu trang và hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe cho người dân trong điều kiện ô nhiễm không khí khá nặng. 

Trong gần 2 tháng qua, xảy ra hàng nghìn đám cháy trên những cánh rừng và vùng đất bùn của Indonesia khiến năm 2015 trở thành năm thảm họa tồi tệ nhất từ trước đến nay tại Đông Nam Á, làm tăng tỉ lệ các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trường học phải đóng cửa và nhiều chuyến bay cùng một số sự kiện quốc tế bị hủy bỏ. Thảm họa trầm trọng thêm bởi mùa khô năm nay kéo dài và hiện tượng thời tiết El Nino. Hầu hết nguyên nhân các vụ cháy rừng ở Indonesia được xác định là do các doanh nghiệp trồng cây lấy giấy và nông dân đốt lửa phát quang gây ra. 

Lâu nay, Thái Lan thường tránh được ảnh hưởng tồi tệ của các vụ cháy rừng ở Indonesia vốn thường xuyên ảnh hưởng tới Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, trong những tuần vừa qua, gió thổi mạnh tại điểm cháy rừng ở Indonesia nhưng khi tới Thái Lan lại suy yếu khiến khói mù cứ quẩn quanh kéo dài tại khu vực này. Thêm vào đó, gió còn đưa khói mù bay xa hơn về hướng Bắc, ảnh hưởng tới ngành du lịch quan trọng của Thái Lan. Đầu tháng này, một số chuyến bay chở khách du lịch tới Phuket và Koh Samui đã buộc phải quay lại do khói mù, trong khi nhiều chuyến bay khác buộc phải hoãn lại hoặc chuyển hướng hạ cánh.  

Năm 1997, nạn khói mù do cháy rừng kéo dài khoảng 3 tháng ở Indonesia đã gây thiệt hại hàng tỷ USD đối với một số nền kinh tế Đông Nam Á, do làm gián đoạn hoạt động du lịch, chi phí y tế đội lên và tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất - kinh doanh. Năm nay, các chuyên gia ước tính thiệt hại kinh tế do tình trạng cháy rừng gây ra với Indonesia vào khoảng 4 tỷ USD. Cùng với việc gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu, khói bụi dày đặc từ đám cháy đang bao phủ các thành phố trong khu vực có thể khiến hơn 100.000 người qua đời sớm hơn và phá hủy môi trường sống của loài đười ươi và báo đốm quý hiếm.

Chưa có con số chính thức nào về thiệt hại của Thái Lan được công bố nhưng xem ra Thái Lan đang khá bức xúc. Giới chức Thái Lan đã nêu vấn đề cháy rừng tại cuộc gặp các quan chức ngoại giao cấp cao ở Kuala Lumpur (Malaysia) mới đây và sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này ở Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN từ ngày 27 đến 29-10 ở Hà Nội. 

Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng đã mời Đại sứ Indonesia L. Rauf đến trụ sở bộ này để trao đổi về tình hình cháy rừng ở Indonesia, đồng thời cho biết Thái Lan sẵn sàng cùng các nước ASEAN khác tìm kiếm các giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề khói bụi, do các đám cháy ở các đảo Sumatra và Borneo hàng năm ảnh hưởng đến các nước khu vực. Thủ tướng Thái Lan Prayut  yêu cầu Indonesia hành động cương quyết hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng. Nếu không khéo giải quyết, ô nhiễm không khí từ cháy rừng có thể trở thành ngòi nổ đe dọa quan hệ giữa các nước trong khu vực.