Căn hộ nano bùng phát giữa cơn khủng hoảng giá nhà ở Hồng Kông (Trung Quốc)

ANTD.VN - Nhiều căn hộ tại Hồng Kông (Trung Quốc) đang trở nên siêu nhỏ, buộc người ta phải sử dụng một thuật ngữ mới: Căn hộ nano. Những căn hộ này chỉ có diện tích khoảng 18,6m2, tương đương một chỗ đỗ xe nhưng nhà xây đến đâu bán hết đến đó.

Giá “căn hộ nano” ở Hồng Kông lên tới hơn 41.000 USD/m2 nhưng vẫn hút khách

Nam Walk Aura là một khu phức hợp chung cư và thương mại 29 tầng ở phía nam Hồng Kông mà chủ đầu tư xây dựng là Công ty phát triển đất đai Henderson do nhà tài phiệt bất động sản Lee Shau-kee đứng đầu. Hầu hết 142 căn hộ của khu này là căn hộ nano. Được biết, 23 căn bán ra đợt đầu hôm 10-4-2018 đã hết veo trong vòng 10 phút. Một căn hộ khoảng 17m2 ở tầng 28 của khu nhà này hiện được bán với giá 5,5 triệu đô la Hồng Kông - HKD (tương đương 700.000 USD), nghĩa là trung bình hơn 41.000 USD/m2, tăng 17% so với thời điểm giữa tháng 3-2018.

Căn hộ dưới 20m2 khá phổ biến

Nhu cầu bùng phát đối với căn hộ nano là minh chứng cho thấy tình trạng thiếu nhà ở một cách bất thường ở Hồng Kông. “Hầu hết người mua nhà lần đầu chỉ đủ khả năng chi trả trong vòng 6 triệu HKD”, ông Henry Mok, Giám đốc khu vực về thị trường vốn tại Jones Lang LaSalle, Hồng Kông cho biết. Theo chuyên gia này, với số tiền đó, họ có thể mua một căn hộ lớn hơn trong một khu chung cư cũ có thể xây dựng từ 30 năm trước. Nhưng về tâm lý, người mua muốn sống ở một nơi mới xây, nên họ “vẫn muốn mua căn hộ nano”.

Theo công bố của Viện Chính sách “Quỹ Hồng Kông của chúng ta” hôm 17-4, số lượng căn hộ nano tại khu đặc chính này sẽ đạt 1.066 căn vào năm 2019, tăng gần 17 lần so với năm 2014. Nhưng trên hết, số lượng người có nhu cầu mua thực sự làm cho giá nhà có thể bị đẩy cao hơn. Nguyên nhân là những căn hộ nhỏ kiểu này đáp ứng nhu cầu của những người độc thân ở Hồng Kông, bởi hiện tại, người trẻ ở đây thích sống độc lập và kết hôn muộn hơn.

Theo danh sách mới nhất của Forbes, 8 trong số 10 người giàu nhất Hồng Kông đều là các ông trùm bất động sản. Điều này khác hẳn với danh sách tỷ phú ở những nơi khác, ví dụ doanh nhân về công nghệ chiếm ưu thế ở Mỹ trong khi lãnh đạo các tập đoàn gia đình lại đứng đầu bảng xếp hạng ở Hàn Quốc. Nhật Bản có danh sách tỷ phú đa ngành nhưng trong top 10 cũng chỉ có 1 tỷ phú bất động sản. 

Chưa hết, Hồng Kông còn có một loại căn hộ mà nếu so sánh, thậm chí căn hộ nano cũng được coi là vẫn còn rộng. Số liệu điều tra dân số đưa ra hồi tháng 1-2018 cho thấy, Hồng Kông còn có 92.740 căn hộ dạng chia nhỏ. Đó là những không gian cư ngụ nhỏ do một căn hộ thông thường được chia tách làm đôi, làm ba. Theo điều tra dân số, 209.700 người Hồng Kông đang sống trong các căn hộ chia nhỏ với diện tích sàn trung bình là 10m2, tiền thuê trung bình là 4.500 HKD/tháng.

Thiếu sáng kiến về chính sách đất đai

Tháng 12 năm ngoái, Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ địa phương đã chỉ trích rằng chính quyền đặc khu Hồng Kông thiếu sáng kiến về mặt chính sách khiến người dân phải “thuê nhà giá cao dù là căn hộ chia nhỏ, trong khi không có biện pháp bảo vệ nào về mặt điều kiện vệ sinh và an toàn”. Kết quả một cuộc khảo sát do Câu lạc bộ Jockey Hồng Kông và Hội đồng Phúc lợi Sheng Kung Hui công bố hồi tháng 3 cho thấy, 80% cư dân sống trong các căn hộ chia nhỏ đều bị căng thẳng tinh thần.

Trong khi đó, chính quyền Hồng Kông dường như rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trước xu hướng phát triển căn hộ nano và chia nhỏ. Bằng chứng là năm ngoái có quan chức khuyên người dân không nên mua căn hộ nano vì sẽ khó bán lại nhưng nhu cầu nhà ở loại này không hề giảm. Mặt khác, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà ở Hồng Kông còn bác đề xuất đặt ra diện tích tối thiểu với một căn hộ bởi cho rằng việc can thiệp như vậy sẽ khiến cho ngày càng nhiều người không đủ tiền mua nhà.

Chính sách đất đai cũng góp phần tạo ra khoảng cách giàu nghèo ở Hồng Kông. Joseph PH Fan, Giáo sư Đại học Trung Hoa Hồng Kông chuyên về các doanh nghiệp gia đình phân tích, thời Anh còn cai trị Hồng Kông, họ kiểm soát chặt các giao dịch đất đai, chỉ cho một số đơn vị phát triển nhà thuê đất để “quản lý thuận lợi hơn”, nhưng nhiều năm nay Hồng Kông đã tạo ra một thị trường bất động sản tự do hóa, dẫn đến có lúc ngoài tầm kiểm soát.