Cận cảnh nhà tù không có lực lượng bảo vệ ở Brazil

ANTD.VN - Bất cứ ai đến thăm nhà tù của APAC ở Itauna đều ngỡ ngàng, xóa tan mọi hình dung về hệ thống nhà tù ở Brazil như sự đông đúc, bẩn thỉu hay tình trạng bạo loạn chết người. Ở đây, không có lực lượng bảo vệ hay vũ khí và chính các tù nhân là người giữ chìa khóa buồng giam nhưng hầu hết không  ai có ý định bỏ trốn.

Khu vực phòng giam mở ở trại giam thuộc hệ thống APAC tại Itauna, Brazil

Renato Da Silva Junior, 28 tuổi hiện là một tù nhân tại trại giam ở Itauna, một thị trấn thuộc Minas Gerais, phía Đông Nam Brazil. Da Silva nuôi dưỡng tham vọng trở thành một luật sư, nhưng chỉ có một trở ngại duy nhất: Anh mới trải qua 1/4  thời gian thi hành bản án 20 năm tù về tội giết người. Anh đã được giảm án 2 năm nhờ làm việc và nghiên cứu tại nhà tù của Hiệp hội Bảo vệ và Hỗ trợ phạm nhân (APAC). Ở đây, các tù nhân mặc quần áo của mình, tự chuẩn bị thức ăn riêng và thậm chí còn chịu trách nhiệm về an ninh. 

3 cấp độ dẫn đến tự do

Tại Itauna, cánh cửa chính của trại giam được ông David Rodrigues de Oliveira, một người đang ở chế độ phục hồi nắm giữ chìa khóa. Các tù nhân ở đây được phân loại thành 3 cấp độ: đóng, bán mở hoặc mở buồng giam. Với những người có chế độ buồng giam bán mở hoặc mở, vào giờ làm việc, không ai được phép ở lại trong buồng giam, trừ khi họ bị ốm hoặc bị phạt. Bởi thế, ai cố tình trốn sẽ được trả lại cho hệ thống đóng kín, nơi mà các tù nhân đều đã trải nghiệm ở giai đoạn đầu.

Ở khu giam kín, triết lý của APAC được viết trên tường, với những khẩu hiệu như: “Con người bước vào đây, tội ác để lại bên ngoài”, nên tù nhân sẽ cảm thấy an toàn và bình tĩnh hơn. Người mới đến cũng được bố trí làm ở phòng đồ gỗ. Họ đều có chung tâm lý cần phải đập phá cái gì đó, vì vậy họ sử dụng bàn tay mình để làm ra những đồ vật đẹp đẽ. Cho đến khi chuyển qua giai đoạn bán mở, họ được làm việc bên ngoài, chứ không phải trong phòng đóng kín.

Trong khu vườn phía sau tòa nhà, Renato Diego Da Souza, 31 tuổi làm công việc dán nhãn lên các chai xà phòng. Các tù nhân cũng nướng bánh mì cho các trường học địa phương và sản xuất phụ tùng nhựa cho xe hơi. Da Souza nói, thói nghiện ma túy đã đẩy anh tham gia vào một băng cướp có vũ trang, nhưng ánh sáng cuối đường hầm vụt sáng khi anh mới được chuyển sang chế độ bán mở. Ở đây, tù nhân luôn nghĩ về việc được đẩy lên chế độ tự do hơn nên họ cố gắng từng ngày.

“Tôi không có ý nghĩ trốn thoát. Tôi đã gần hết án và đã trả giá hầu hết cho hành vi phạm tội của mình. Họ đặt niềm tin vào tôi và đó là trách nhiệm của tôi trong bảo vệ cửa chính”, anh Da Oliveira, 32 tuổi nói. “Bước tiếp theo của tôi là được thả có điều kiện, nghĩa là tôi có thể đi ra ngoài mỗi tuần một lần. Tôi luôn nghĩ về gia đình mình nên sẽ không mạo hiểm”.

Nhiều rào cản nên khó nhân rộng

Nhìn chung, các trại giam ở Brazil thường bị phàn nàn là mỗi phòng giam có khoảng 20 người trở lên, điều kiện ăn ở hay thực phẩm không đảm bảo. Nhưng nhà tù của APAC, có sự hỗ trợ của Quỹ AVSI của Italia áp đặt giới hạn chỉ 200 tù nhân để ngăn chặn tình trạng quá đông. 

Được thành lập năm 1972, tới nay, hệ thống này đã có 49 trại giam ở Brazil cùng với các chi nhánh ở Costa Rica, Chile và Ecuador. Mục đích của họ là giúp những người phạm phải sai lầm biết ăn năn, hối cải. Kết quả là chi phí điều hành rẻ hơn, tỷ lệ tái phạm thấp hơn và những lợi ích cho cộng đồng cũng lớn hơn.

 Với những thành công như vậy, tại sao các nhà tù của hệ thống APAC không được mở rộng nhiều hơn? “Mỗi lần xảy ra một cuộc bạo loạn trong nhà tù ở Brazil, ai đó lại gọi điện nói muốn mở một nhà tù của hệ thống APAC tại khu vực đó. Nhưng điều này không đơn giản, nó bao gồm nhiều thứ cả sự  tham gia của chính quyền và ý chí chính trị của địa phương”, ông Jacopo Sabatiello, Phó Chủ tịch AVSI Brazil nói. Ví như, mở một nhà tù ở Rio, họ gặp phải các rào cản điển hình là vấn đề về tài chính, tình trạng quá tải và tham nhũng.

Ở khu vực bán mở của nhà tù, Rodrigo de Oliveiro Pinto, 35 tuổi, rất thích công việc thủ kho bởi sự yên tĩnh của nó, thể hiện ngay ở cuốn sách thơ được mở trên bàn làm việc của anh. De Pinto thi hành án 12 năm vì tội giết người, nhưng sau khi mãn hạn, anh vẫn muốn được làm việc cho APAC. “Đầu óc tôi bấn loạn nên tôi gặp rắc rối. Từ khi đến đây, tôi đã thay đổi. Tôi muốn trở lại để giúp đỡ người khác”.