Cận cảnh "chợ nô lệ di cư" ở Libya

ANTD.VN - “800”, nhà bán đấu giá nói, “900, 1.000, 1.100...”. Giá chốt cuối cùng là 1.200 dinar, tương đương với 800 USD. Không phải là một chiếc xe đã qua sử dụng, một mảnh đất hay một món đồ. Không phải là “hàng hóa”, mà là 2 con người, trong chợ bán nô lệ ở Libya. Cảnh này gợi nhớ đến những ngày tăm tối nhất của lịch sử nhân loại.

Đó là một đoạn video ghi từ điện thoại di động hồi tháng 8-2017 tại một nơi nào đó không rõ ở Libya. Một trong những người đàn ông bị bán trong đoạn video là người Nigeria. Anh chừng 20 tuổi, mặc áo phông, quần cộc. Thanh niên này được đưa ra bán với lời giới thiệu là “một chàng trai cực khỏe cho công việc đồng áng”, theo lời của người bán đấu giá. Sau khi xem được cảnh quay của cuộc đấu giá nô lệ này, phóng viên CNN đã quyết định xác minh tính xác thực của nó và đến Libya để điều tra thêm. 

“Chợ người” vùng ngoại ô Tripoli

Với máy ảnh bí mật mang theo, nhóm phóng viên có mặt tại một khu nhà ở ngoại ô Thủ đô Tripoli hồi tháng trước, ở đó có khoảng 10 người được trưng ra trong vòng 6-7 phút. 

“Có ai cần một người thợ đào hay không? Một người rất khỏe mạnh, anh ta sẽ đào cho bạn”, các nhân viên bán hàng nói. Những cánh tay giơ lên trả giá. “500, 550, 600, 650 ...”.  Trong vòng vài phút, cuộc đấu giá kết thúc, những người đàn ông hoàn toàn cam chịu số phận của họ, được bàn giao cho chủ mới. Qua tiếp xúc, 2 trong số những người bị đem bán đấu giá ở phiên đó cảm thấy bị tổn thương đến mức không nói lên lời, họ sợ tới mức nghi ngờ bất kỳ ai mà họ gặp. 

Buổi đấu giá diễn ra tại một thị trấn bình dị ở Libya, nơi xung quanh là cuộc sống thường nhật với trẻ em chơi trên đường phố, người dân đi làm, nói chuyện với bạn bè và nấu bữa tối để cả nhà cùng ăn. Nhưng ở đó, cuộc đấu giá nô lệ khiến người ta có cảm giác quay lại thời Trung cổ, chỉ thiếu mỗi xiềng xích quanh cổ tay và mắt cá chân của người di cư.

Cận cảnh "chợ nô lệ di cư" ở Libya ảnh 2Một phụ nữ bật khóc khi được thông báo phải về nước một mình do chồng chị chưa được cấp đủ giấy tờ

Từ di dân biến thành “nô lệ”

Mỗi năm, hàng chục nghìn người đổ qua biên giới Libya. Họ là dân tị nạn chạy trốn chiến tranh xung đột hay di cư kinh tế để tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở châu Âu. Hầu hết đã bán tất cả mọi thứ mà họ có để có tiền cho cuộc hành trình qua Libya đến bờ biển và các cửa ngõ vào Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, một chiến dịch mới đây của lực lượng bảo vệ bờ biển Libya khiến cho lượng thuyền ra khơi ít dần đi, rất nhiều “thuyền nhân tương lai” bị kẹt lại. Không có nơi nào để đi, người di cư bị những kẻ buôn lậu giam hãm trong các kho hàng với một ít lương thực và nước uống để cầm cự. Vì vậy, đám buôn lậu trở thành chủ nhân còn người di cư và người tị nạn trở thành nô lệ. 

Bằng chứng do nhóm phóng viên CNN quay được đã được bàn giao cho các nhà chức trách Libya và họ hứa sẽ khởi động một cuộc điều tra. Trung úy Naser Hazam thuộc Cơ quan chống nhập cư bất hợp pháp của Libya thừa nhận rằng, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang điều hành các đường dây buôn người. “Bọn buôn người nhồi lên mỗi thuyền 100 người. Chúng không quan tâm điều gì khác miễn là nhận được tiền. Người nhập cư có thể đến được châu Âu hoặc chết trên biển”.

“Tình hình thật bi đát”, ông Mohammed Abdiker thuộc Tổ chức Di cư Quốc tế đã nhận định như vậy trong một thông cáo sau khi trở về từ Tripoli hồi tháng 4-2017. “Một số báo cáo thật sự kinh hoàng và các báo cáo mới nhất chỉ ra rằng “chợ nô lệ” có thể được thêm vào một danh sách dài những khốn khổ mà người di cư phải đối mặt”.

Cận cảnh "chợ nô lệ di cư" ở Libya ảnh 3Người di cư được cứu sống trên Địa Trung Hải về tới một căn cứ hải quân ở Tripoli hồi tháng 10-2017

Trở về từ “địa ngục” 

Anes Alazabi là giám sát viên tại một trung tâm tạm giữ những người nhập cư bị trục xuất ở Tripoli. “Những gì thấy hàng ngày ở đây khiến tôi cũng cảm giác đau khổ giống như họ. Mỗi ngày tôi lại nghe được một câu chuyện mới. Hãy lắng nghe tất cả bọn họ, họ có quyền nói lên tiếng nói của mình”, ông Anes Alazabi nói.

Một trong những người bị giữ ở đây là Victory, người vừa bị bán tại một cuộc đấu giá nô lệ và được chính quyền Libya giải cứu. Rời bang Edo khốn khó của Nigeria, thanh niên 21 tuổi này đã bỏ nhà ra đi, mất 1 năm 4 tháng cùng toàn bộ số tiền tiết kiệm được để đi đến châu Âu. Mới tới được Libya, Victory cùng nhiều di dân khác bị bọn buôn người giam hãm, sống trong điều kiện thiếu thốn, ăn uống kham khổ và còn bị ngược đãi. “Nếu nhìn vào phần lớn mọi người ở đây, ai cũng có những vết sẹo do bị đánh đập, đâm chém”.

Khi tiền trong túi hết sạch, Victory đã bị bọn buôn người rao bán làm lao động công nhật, tiền công thu về chỉ để giảm nợ. Tuy nhiên, sau nhiều tuần bị lao động ép buộc, Victory được cho biết là tiền công đó không đủ, anh phải gọi gia đình thanh toán tiền chuộc. “Tôi đã nộp 2.780 USD. Mẹ tôi đã chạy khắp các làng xung quanh vay tiền để cứu tôi”, Victory nói từ trung tâm giam giữ, nơi anh đang chờ đợi để được gửi trả lại Nigeria, trong cảnh tay trắng cùng với những ký ức hãi hùng. 

Khi những con đường đến châu Âu qua Bắc Phi bị chặn lại, nhiều người di cư đã phải từ bỏ ước mơ của họ cho dù họ đã mất cả gia tài cho chuyến đi. Từ đầu năm đến nay, hơn 8.800 người đã tự nguyện trở về nhà trên chuyến bay hồi hương do Tổ chức Di cư Quốc tế IOM tổ chức. 

Thủ đoạn của tội phạm buôn người châu Phi

Các cuộc điều tra trước đây của Newsweek đã chỉ ra rằng những kẻ buôn lậu, đặc biệt là ở thị trấn ven biển Zuwara của Libya đã thu hút hàng trăm người nhập cư từ khắp châu Phi, gồm Ai Cập, Sudan và Niger bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Vào năm 2015, những kẻ buôn lậu sử dụng tài khoản Facebook và lên các mức giá cho đủ loại dịch vụ của chúng. Ví dụ, một chuyến đi từ Sudan tới Libya và đến Ý cho 2 người, gồm mẹ và con gái chi phí khoảng 3.500 USD, trong đó 1.500 USD cho quãng đường ở ngoài biên giới và phần còn lại là hành trình từ Khartoum, Thủ đô của Sudan. Việc tuyển dụng này sau khi phát hiện đã bị các trang mạng xã hội chặn lại. Hiện nay, những kẻ buôn người hoạt động chủ yếu bằng truyền miệng. 

Cũng theo thống kê, năm 2016, đã có ít nhất 5.079 trường hợp tử vong hoặc mất tích trên hành trình vượt biển Địa Trung Hải đến châu Âu.