Campuchia: Bác sĩ làm lây nhiễm HIV cho gần 200 bệnh nhân

ANTĐ - Một tòa án ở Campuchia ngày 20-10 đã xét xử bác sĩ Yem Chroeum với cáo buộc làm lây nhiễm HIV cho gần 200 bệnh nhân, nguyên do là kim tiêm sử dụng nhiều lần cho nhiều người bệnh. Ông Yem Chhrin bị truy tố nhiều tội danh, trong đó có tội giết người.

  Campuchia: Bác sĩ làm lây nhiễm HIV cho gần 200 bệnh nhân ảnh 1Yem Chhrin bị hộ tống đến tòa án ở Battambang hôm 20-10 vừa qua

Làm 1/8 dân số trong làng nhiễm HIV

Ông Yem Chhrin, 53 tuổi bị bắt vào tháng 12-2014 và được các cơ quan chức năng bảo vệ nghiêm ngặt vì sợ bị người dân ở làng Roka trả thù. Theo cáo trạng của Tòa án, trong thời gian chữa bệnh, ông Yem Chhrin đã cố ý làm lây truyền HIV cho 106 bệnh nhân trong tổng số dân của làng Roka là 800 người vì tái sử dụng bơm kim tiêm. Báo chí địa phương cho hay, thực tế, số người nhiễm HIV có thể còn cao hơn nhiều, khoảng 300 người. Bệnh nhân bị nhiễm HIV ở độ tuổi từ 3 đến 82, trong đó có cả các nhà sư. Trong số những người bị nhiễm HIV, ít nhất 10 người đã chết. 

“Tôi đã sốc khi biết mình nhiễm căn bệnh thế kỷ. Chắc chắn, tôi bị nhiễm HIV trong những lần điều trị bệnh ở nhà Yem Chhrin”, Leurn Lum, 51 tuổi, một trong số 120 người dân đệ đơn khiếu nại đến cảnh sát cho biết. “Tôi là một người chồng tốt, chưa bao giờ có quan hệ tình dục với phụ nữ khác ngoài vợ mình”. Ông Leurn Lum cho biết, ông chưa bao giờ điều trị bệnh ở đâu khác ngoài cơ sở y tế của Yem Chhrin. Ông Leurn Lum phát hiện mình nhiễm HIV vào cuối năm 2014 và vợ ông cũng có xét nghiệm dương tính với HIV. “Tôi muốn thấy Yem Chhrin phải bị trừng phạt”, ông Leurn Lum nói.

Tuy nhiên, Yem Chhrin được nhiều người dân trong làng Roka biết đến vì rất tận tình chăm sóc bệnh nhân dù ông không được đào tạo hoặc có bằng cấp y tế do Nhà nước cấp. “Dù đó là ngày hay đêm, dù bệnh nhân có tiền để chi trả cho việc điều trị hay không, ông Yem Chhrin vẫn đối xử tốt với họ. Tôi nghĩ, ông ấy là một bác sĩ tốt”, Chay Savorn, 60 tuổi, một phụ nữ từng được Yem Chhrin điều trị và cũng bị phát hiện có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV cho biết.

Bà Chay Savorn nói rằng, bà quyết định không tham gia ký tên vào lá đơn khiếu nại hành vi làm lây nhiễm HIV của Yem Chhrin lên cảnh sát, mặc dù 4 người khác trong gia đình bà đã bị nhiễm HIV. “Các bác sĩ nói rằng, tôi có thể sống thêm 20 năm nữa nếu sử dụng thuốc đều đặn, đúng cách. Thế là quá đủ và tôi thấy không cần phải kiện cáo gì thêm”, bà Chay Savorn nói.

Đối mặt với án tù chung thân

Ông Yem Chhrin phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội giết người, cố ý lan truyền HIV và hành nghề y không giấy phép. Phiên xét xử bác sĩ “làng” Yem Chhrin kéo dài trong 5 ngày. Em Sovann, luật sư bào chữa cho ông Yem Chhrin cho biết, thân chủ của ông đã thừa nhận việc tái sử dụng bơm kim tiêm để điều trị cho bệnh nhân. “Tuy nhiên, ông Yem Chhrin đã nhiều lần khai báo với cảnh sát và các quan chức trong lúc bị giam chờ xét xử rằng, ông ấy không có ý định lây truyền virus chết người cho bất kỳ bệnh nhân nào”, luật sư Em Sovann nói. Ông Em Sovann cho biết thêm, ông sẽ cố gắng hết sức để có thể bác bỏ hai cáo buộc là giết người và cố ý lây nhiễm HIV. 

Bà Nhoum Chenda, vợ của ông Yem Chhrin cũng kêu gọi tòa án bác bỏ những cáo buộc với chồng vì có thể người dân nhiễm HIV qua con đường khác. “Người dân trong làng có thể bị lây truyền HIV qua con đường nào khác mà hiện thời chúng ta chưa tìm ra”, bà Nhoum Chenda nói. Bà Nhoum Chenda cũng cho rằng, từ khi chồng bị bắt giam phục vụ điều tra, bà cũng phải chạy trốn sang tỉnh khác vì sợ dân làng sẽ giết chết bà vì giận dữ.

Campuchia là một trong những quốc gia nghèo trên thế giới, cơ sở chăm sóc y tế chưa đầy đủ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Ở đây, rất thiếu những bác giỏi, có tay nghề, được đào tạo bài bản mà thay vào đó là những người hành nghề y nhưng không trải qua bất kỳ trường lớp nào. Các bác sĩ “làng” chủ yếu tự học, chỉ có khả năng điều trị một số bệnh nhẹ, thông thường và tiêm thuốc cho bệnh nhân. Theo các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc, Campuchia từng là quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao - khoảng 2% vào năm 1998, sau một chiến dịch tích cực tuyên truyền về tình dục an toàn, con số này đã giảm xuống còn 0,7% vào năm 2014.